Đà Nẵng: Vì sao bến xe hơn trăm tỉ "vắng như chùa Bà Đanh"?
Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng... - Ảnh: HC |
Phải cạnh tranh lành mạnh
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, Bến xe khách liên tỉnh Đức Long Đà Nẵng (gọi tắt là Bến xe phía Nam) có diện tích 6,3ha thuộc địa phận thôn Quá Giáng (xã Hoà Phước, huyện Hoà Vang) được quy hoạch theo Quyết định 8703/QĐ-UBND (23/10/2008) và được giao cho Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai) đầu tư xây dựng theo Quyết định 1273/QĐ-UBND (16/2/2009) của UBND TP Đà Nẵng.
Tháng 9/2012, bến xe này đã được Tập đoàn Đức Long khánh thành, đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 135 tỉ đồng. Bến xe cũng đã được Sở GTVT Đà Nẵng công nhận đạt quy chuẩn loạt 1. Tuy nhiên từ đó đến nay, hầu như chẳng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách nào đoái hoài đến việc đưa xe vào đây mà đều tập trung vào Bến xe Trung tâm Đà Nẵng (nằm trên QL1A, thuộc địa phận phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu).
Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng đã đưa ra đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng điều chuyển một số tuyến xe khách cố định từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng hiện nay về Bến xe phía Nam. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Đà Nẵng) Bùi Thanh Thiện, nếu thực hiện theo đề nghị này sẽ gây trở ngại cho hành khách và khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, đồng thời không đúng với Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các văn bản quy định hiện hành.
Trước đó, ngày 1/6/2012, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã có văn bản 3784/UBND-QLĐTh giao Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định của Đà Nẵng và các tỉnh có xe đến Đà Nẵng được quyền lựa chọn bến xe nào thuận lợi, chất lượng phục vụ tốt để đăng ký hoạt động theo hướng cạnh tranh bình đẳng. Đến ngày 22/11/2012, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp tục có văn bản 9844/UBND-QLĐTh không đồng ý điều chuyển một số tuyến vận tải khách từ Bến xe Trung tâm về Bến xe phía Nam.
Chỉ có được vài chiếc xe khách để "tạo dáng" hôm khai trương |
Trước tình hình đó, ngày 5/1/2013, Sở GTVT Đà Nẵng đã chủ trì cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai tổ chức hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho Bến xe phía Nam. Tại đây, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định bằng ô tô tại Đà Nẵng, miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam đã chỉ ra nhiều điểm bất cập của bến xe "trăm tỉ" này. Đó là mặt tiền phía trước của bến xe chưa thông thoáng nên ảnh hưởng đến việc quảng bá thương hiệu cho người dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải biết.
Song điều quan trọng hơn cả là vị trí bến xe ở xa trung tâm TP, dân cư ít, không thu hút hành khách di chuyển về bến xe nên không hấp dẫn các doanh nghiệp vận tải vào đăng ký khai thác tuyến cố định. Các doanh nghiệp vận tải cho rằng nếu đưa xe vào Bến xe phía Nam mà không có khách thì họ sẽ lỗ dẫn đến phá sản.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng chưa xây dựng được kế hoạch kinh doanh cụ thể để gửi các doanh nghiệp vận tải tham gia thống nhất triển khai thực hiện, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về nguồn khách hàng vào bến xe; công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu của bến xe làm chưa tốt, chưa xây dựng được sự hấp dẫn cho khách hàng cũng như các doanh nghiệp vận tải khác.
Gây áp lực?
Tuy nhiên sau hội nghị lại xuất hiện nhiều thông tin cho rằng Bến xe Trung tâm Đà Nẵng đã quá tải mà theo nhiều người am hiểu tình hình thì không ngoài mục đích gây áp lực với UBND TP Đà Nẵng trong việc điều chuyển một số tuyến xe khách cố định từ Bến xe Trung tâm Đà Nẵng hiện nay về Bến xe phía Nam như mong muốn của Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng.
Còn từ đó tới nay thì "vắng như chùa Bà Đanh"! |
Tại hội nghị triển khai kế hoạch phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 do Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức hôm 17/1 vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Quản lý bến xe Đà Nẵng Lê Viết Hoàng đã bác bỏ hoàn toàn những thông tin này và cho biết Bến xe Trung tâm Đà Nẵng vẫn còn nhiều diện tích đang bỏ trống mà đến năm 2040 vẫn có thể chưa sử dụng hết!
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Đà Nẵng Đinh Văn Ba cũng khẳng định, doanh nghiệp vận tải có quyền lựa chọn bến xe để đưa xe vào. "Người ta nói thóc đi đâu thì bồ câu theo đó. Ở đây khách mới là "thóc" chứ không phải bến xe là "thóc" mà bắt doanh nghiệp vận tải là "bồ câu" phải đi theo. Khách đi đâu thì xe phải theo đó chứ không phải bến xe đi đâu thì xe đi đó!" - ông Đinh Văn Ba nói. Theo ông, giữa các bến xe phải có sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút khách chứ không thể áp đặt phải đưa khách vào bến này hay bến kia.
Ông cho rằng, chỉ những bến xe nào có khách, chất lượng phục vụ tốt, giá phí hạ và kinh doanh có hiệu quả thì các doanh nghiệp vận tải mới đầu tư mở tuyến. Trong khi Bến xe Trung tâm Đà Nẵng ngày càng đáp ứng những yêu này thì Bến xe phía Nam lại được xây dựng ở một địa điểm và thời điểm chưa phù hợp nên phải cần thêm một thời gian nữa, chứ không thể vừa đầu tư ra là đòi hỏi có lợi ngay. "Doanh nghiệp vận tải cũng thế thôi, đầu tư phương tiện ra phải chạy một thời gian dài mới có thể thu hồi vốn, trả nợ vay ngân hàng!".
Ông Bùi Thanh Thiện cho hay, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho Bến xe phía Nam, Sở GTVT Đà Nẵng đã yêu cầu Công ty cổ phần Đức Long Đà Nẵng chậm nhất đến ngày 6/2/2013 phải xây dựng xong phương án kinh doanh, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp để thảo luận và báo cáo Sở GTVT xem xét chỉ đạo.
Sở GTVT Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo huyện Hoà Vang khẩn trương giải phóng mặt bằng phía trước Bến xe phía Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh. Đồng thời cho phép Công ty Cổ phần Đức Long Đà Nẵng tiếp nhận phương tiện xe tải, xe container và các đơn vị vận tải tuyến cố định có nhu cầu đăng ký mới vào khai thác từ Đà Nẵng đi các tuyến phía Nam và miền Trung Tây Nguyên và ngược lại tự nguyện đăng ký vào tham gia tại bến xe này kể từ tháng 1/2013.