Đà Nẵng: Vận động cán bộ, công chức, người lao động đi làm bằng xe buýt
Ngày 26/12, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở GTVT phối hợp Sở Nội vụ, Sở TT-TT, BQL các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên điều tra về thực trạng tham gia giao thông của cán bộ các cơ quan hành chính, UBND quận huyện, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập; cán bộ công chức là giáo viên; học sinh, sinh viên (cụ thể: nhu cầu, quảng đường, thời gian tham gia giao thông hàng ngày…).
Đà Nẵng đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá nhưng lượng khách sử dụng còn rất hạn chế (Ảnh: HC) |
Qua đó xây dựng đề án phát động phong trào kêu gọi cán bộ nhà nước tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt. Trong quá trình thực hiện, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các đơn vị nêu trên tiến hành điều chỉnh lộ trình các tuyến cho phù hợp với thực tế nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc tiếp cận phương tiện giao thông công cộng (lưu ý các khu tập trung nhân viên, công nhân của Khu công nghệ FPT, khu công nghiệp, các trường đại học..).
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá rộng rãi hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt đến người dân; nghiên cứu, xây dựng phương án, phần mềm/website đảm bảo hành khách tham gia giao thông có thể tiếp cận hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt dễ dàng, nhanh và hiệu quả nhất; cho phép thuê đơn vị tư vấn để thực hiện nghiên cứu, sử dụng từ nguồn kinh phí của dự án Phát triển bền vững. Đề xuất đầu tư các bãi đỗ phương tiện cá nhân tại các trạm xe buýt, ưu tiên trước mắt nghiên cứu bãi đỗ xe tại điểm đầu, cuối tuyến buýt.
Cùng ngày, Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng cũng cho biết vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành đề nghị vận động cán bộ, công chức và người lao động đi làm bằng xe buýt nhằm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 10/12, Sở GTVT Đà Nẵng đã khai trương 5 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố, nâng tổng số tuyến xe buýt hiện có lên 11 tuyến. Các tuyến xe buýt có trợ giá là: Tuyến số 5: Nguyễn Tất Thành – Xuân Diệu; tuyến số 7: Xuân Diệu – Phạm Hùng; tuyến số 8: Thọ Quang – Phạm Hùng; tuyến số 11: Xuân Diệu – Siêu thị Lotte Mart và tuyến số 12: Thọ Quang – Trường Sa. Trước mắt, từ ngày 10/12/2016, đưa vào hoạt động 3 tuyến (số 5, 7 và 11); hai tuyến còn lại bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2017.
Các tuyến xe này hoạt động từ 5g đến 21g hàng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường, giá vé chung trên tất cả các tuyến một lượt là 5.000 đồng. Đối với hành khách đi theo tháng sẽ có giá là 45.000 đồng/tháng (áp dụng cho đối tượng ưu tiên); 90.000 đồng/tháng (áp dụng cho đối tượng không ưu tiên).
Để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng, Đà Nẵng cũng miễn phí cho mọi hành khách đi trên 5 tuyến xe buýt có trợ giá trong 1 tháng kể từ ngày 10/12/2016. Các tuyến xe buýt có trợ giá này cùng với 06 tuyến xe buýt không trợ giá góp phần tạo nên mạng lưới giao thông công cộng mới cho Đà Nẵng. Trước mắt, Sở GTVT điều chỉnh tạm thời lộ trình 11 tuyến xe buýt nhằm tạo thuận lợi cho công tác thi công hai nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và Lê Duẩn – Trần Phú đến khi hoàn thành.
Tuy nhiên theo nhiều phản ánh, hiện lượng khách đi trên 5 tuyến xe buýt có trợ giá không nhiều, thậm chí có nhiều thời điểm các xe vẫn hoạt động trên tuyến nhưng hoàn toàn vắng bóng khách. Điều này khiến nhiều người quan ngại về hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt nhanh BRT mà Đà Nẵng dự định triển khai trong năm 2017.