Đà Nẵng: Phụ huynh còn lo lắng, nghe ngóng, tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp
Đón trẻ mầm non đi học trở lại, có trường tỷ lệ chỉ đạt khoảng 17%. Nhiều phụ huynh vẫn đang có tâm lý nghe ngóng, e dè.
Từ ngày 21/2, Đà Nẵng đã cho phép các cơ sở giáo dục mầm non được tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số trường của quận Sơn Trà, Thanh Khê tổ chức đón trẻ trở lại trường học. Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp còn thấp.
Như tại quận Thanh Khê, tỷ lệ trẻ đến trường của trường mầm non Hồng Nhung đạt khoảng 50%; trường mầm non Cẩm Nhung đạt 17%...
Trẻ mầm non Đà Nẵng đến trường từ sáng 21/2. |
Nhiều trường trên địa bàn thành phố vẫn đang đóng cửa, dự kiến đến 28/2 mới triển khai tổ chức đón trẻ.
Có con đang học mầm non, anh Võ Thanh Tịnh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chia sẻ, hằng ngày nhìn thấy con quanh quẩn trong nhà, hầu như chỉ biết làm bạn với tivi nên gia đình muốn cho cháu đến trường, tuy nhiên anh sẽ nghe ngóng tình hình tuần học đầu tiên như thế nào đã rồi mới quyết định.
Tương tự, chị Nguyễn Hạnh (quận Hải Châu) bày tỏ: “Trong tình hình này, cho con đến trường chắc ai cũng lo lắng, nhưng nếu không cho cháu đi học thì không biết đến khi nào. Vợ chồng đã thống nhất sẽ cho con đi học lại nhưng phải đợi thêm ít ngày nữa khi thời tiết đỡ rét và cũng xem tình hình các cháu khác đi học như thế nào”.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, với sự chỉ đạo các cấp, tham vấn Bộ Y tế, Sở đã tham mưu cho UBND TP cho phép cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy học trực tiếp.
Theo ông Linh, tỷ lệ đưa trẻ đến trường có thể thấp bởi tâm lý chung của phụ huynh là lo lắng, sợ hãi cho sự an toàn của trẻ. Song ông Linh vẫn lạc quan kỳ vọng ''con số này có thể tăng lên trong tuần tới, phụ huynh sẽ yên tâm đưa trẻ đến trường nếu nhận thấy không xảy ra sự cố gì''.
Nói về lý do cho phép cơ sở mầm non đón trẻ tới trường, ông Linh phân tích: “Dịch bệnh chúng ta đặt yếu tố an toàn của trẻ lên hàng đầu, nhưng thực ra trẻ cần nhu cầu giao tiếp, sự hướng dẫn trực tiếp của cô. Giai đoạn này của trẻ cần hoà nhập, phát triển nhận thức. Nếu chúng ta duy trì ''thời gian vàng'' quá lâu thì các em sẽ qua đi mốc quan trọng trong đời sống phát triển của trẻ.
Gần gần 2 năm dịch bệnh, chúng tôi nghĩ ít nhiều bộ phận học sinh do thời gian quá lâu không được đến trường sẽ có hạn chế nhất định. Chúng ta tranh thủ hết sức khi cảm thấy an toàn nên đưa trẻ đến trường để các em được tiếp thu, phát triển những kỹ năng”.
Cũng theo ông Linh, hiện nay công tác phòng, chống dịch được các trường thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT như đảm bảo giãn cách, phân luồng lối đi; đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho trẻ ngay từ cổng; trong thời gian ở trường, trẻ thường xuyên được sát khuẩn, theo dõi sức khoẻ; có phòng cách ly riêng… Có trường mầm non đã chủ động bố trí đội ngũ y bác sỹ thường trực, sẵn sàng ứng phó khi có F0.
“Chúng tôi đã có những hướng dẫn, tập huấn cho các trường về biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và khi phát hiện có F0 trong lớp học, trẻ sẽ được đưa về phòng cách ly tạm thời, sau đó làm việc với y tế để tổ chức xét nghiệm. Theo quy định, nếu lớp học có trẻ F0 sẽ tạm nghỉ 7 ngày để thực hiện cách ly, theo dõi”, ông Linh cho hay.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng khuyến cáo, nếu trẻ có những dấu hiệu mệt mỏi, ho, sốt thì bố mẹ nên giữ trẻ ở nhà, theo dõi chặt chẽ, đo thân nhiệt cho trẻ; khi trẻ khoẻ mạnh hoàn toàn thì mới đưa trẻ đến trường. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường trong công tác phòng chống dịch cũng như chăm sóc trẻ.
Diệu Thuỳ