Đà Nẵng: Phát lộ thêm một di tích Chăm ngàn năm tuổi
Các hiện vật như diềm trang trí tháp, gạch trang trí tháp, gạch và những viên cuội bố trí trong hố thiêng, vật liệu ngói và đồ gồm được đoàn khảo cổ phát hiện tại di tích Chăm Cẩm Mít - Ảnh: HC |
Di tích Chăm ngàn năm
Di tích Chăm Cẩm Mít nằm ở tổ 3, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", vùng đất này nguyên là đất châu Lý của Chiêm Thành; đầu đời Lê mới cho lệ vào phủ Triệu Phong (trấn Thuận Hoá); đến đầu triều Nguyễn Mới đặt tên huyện Hoà Vang, lệ vào phủ Điện Bàn với 7 tổng, 158 xã, thôn, phường, ất, giáp.
Được sự báo dẫn của các cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, tháng 6/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tiến hành khảo sát địa điểm này, đưa ra nhận định đây là một di tích đền tháp Chămpa, nơi có nhiều di vật đá đã được phát hiện như bộ Linga-Yoni, bộ bệ thờ hiện đang lưu giữ tại đình làng Dương Lâm, hai đài thờ tại đình làng Bồ bản và Cẩm Toại cùng một số hiện vật mang về bảo quản tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Từ hạ tuần tháng 9 đến nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 500m2, phát hiện cả một quần thể di tích tháp Chăm rộng lớn cùng hơn 600 di vật gạch, đá, ngói, đồ gốm, sa thạch… có niên đại khoảng 1.000 năm tuổi. Đặc biệt lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện Tympan (phần mi cửa trước) ở tháp Bắc được trang trí bằng hình tượng chim thần Garuda...
Theo đó, khu đền tháp này rộng khoảng 1ha tọa lạc trên một gò đất thấp, rộng và khá bằng phẳng. Mặt dù bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh nhưng mặt bằng khu đền tháp còn khá hoàn chỉnh với hệ thống tường bao 4 phía, bên trong gồm 3 tháp chính là tháp Giữa hay còn gọi là tháp Trung tâm (lòng tháp rộng khoảng 4x4m), tháp Bắc (ở phía Bắc, rộng khoảng 4,4x4,4m), tháp Nam (phía Nam, rộng 3,7x3,7m), phía Đông có tháp Cổng và nhà Dài.
Đế móng các tháp đều được xây bằng gạch, liên kết bằng đất sét, cát trộn dầu thực vật, phía dưới được gia cố bằng đất sét, cát vàng lẫn cuội, đá dăm, đá núi các loại… Tuy nhiên, xét về niên đại, bố cục mặt bằng và di vật kèm theo có sự biến đổi sớm muộn khác nhau. Cụ thể, tháp Giữa được xác định xây dựng đầu tiên vào khoảng thế kỷ X-XI, theo đường đi phía Đông nối với tháp Cổng. Tháp Nam và tháp Bắc được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII-XIV là khi tháp Giữa và tháp Cổng bắt đầu xuống cấp.
Ở vị trí trung tâm của mỗi tháp chính đều có một hố thiêng. Trong lòng hố thiêng bố trí 8 hốc nhỏ hình chữ nhật bên trong chứa một viên gạch hình chữ nhật đặt nằm ngang, dưới có viên cuội khiến người ta liên tưởng đến cặp ngẫu tượng Linga và Yoni như hố thiêng được phát hiện ở Phong Lệ. Điều này minh chứng chủ nhân khu đền tháp rất chú trọng lễ nghi và nghệ thuật phong thủy, trấn yểm.
Đồng thời, việc xuất hiện vò gốm men (có thể là vò mộ) và đồ tùy táng (bằng gốm, sứ, thủy tinh…) cho thấy, ngoài chức năng là đền tháp thờ các vị thần Hindu giáo (Shiva, Brahma, Visnu…), khu đền tháp còn có tính chất như một tháp mộ, mỗi tháp là nơi lưu giữ tro cốt và thờ tự tổ tiên hoặc chính chủ xây dựng tháp - người khi còn sống có địa vị, quyền lực cao nhất vùng và khi chết đi cũng được xem như thần linh để thờ trong tháp.
Lần đầu tiên các nhà khảo cổ phát hiện Tympan được trang trí bằng hình tượng chim thần Garuda - Ảnh: HC |
Phát hiện hiếm hoi ẩn chứa nhiều bí ẩn
Theo các nhà chuyên môn, việc làm rõ được mặt bằng của cả 3 tháp chính cùng tháp Cổng, nhà Dài tại Cẩm Mít được coi là phát hiện hiếm hoi ẩn chứa nhiều thông tin cần tiếp tục được tìm hiểu, khám phá. Sự hoàn thiện về bố cục, quy mô, cấu trúc của mặt bằng di tích qua nhiều giai đoạn chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực đền tháp này trong tâm thức cư dân Chămpa lúc bấy giờ. Song, sự nghèo nàn của các sản phẩm điêu khắc đá cũng như sự vắng mặt của tượng đá cho thấy đây là một khu đền tháp mang yếu tố và phong cách địa phương, nơi giáp ranh giữa miền xuôi và miền ngược.
Ông Võ Văn Thắng cho hay, theo kết quả điều tra, ở khu di tích này đã xảy ra nhiều đợt tàn phá. Đáng lưu ý là lần đầu tiên vào những năm 1950, dân trong vùng khai thác gạch xây dựng đền miếu, đình làng; lần thứ hai là do sự tàn phá của quân đội Mỹ trong những năm 1970 - 1974 khi sử dụng chiến thuật "vành đai trắng" hòng triệt phá cơ sở Cách mạng. Lần tiếp theo là những năm đầu 1980 khi dân cư đến đây dỡ gạch về xây móng nhà và các công trình phúc lợi. Các hiện vật như bộ Linga - Yoni cùng bệ thờ hiện lưu giữ tại đình làng Dương Lâm, 2 bệ thờ tại các đình làng Bồ Bản, Cẩm Toại Đông cũng bị mang đi trong thời gian này.
Và đợt cuối cùng vào những năm 1992 - 2007, dân cư tập trung về đây ngày một đông và nhu cầu về nhà ở, công trình phụ, đường giao thông ngày càng cao nên vấn nạn khai thác gạch tại di tích Cẩm Mít lại diễn ra ồ ạt và triệt để hơn, đồng thời di chuyển ra khỏi di tích này một khối lượng các cấu kiện đá khá lớn. Năm 2008, cán bộ Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đến khảo sát và mang về bảo tàng một Yoni cùng 2 Tympan để bảo quản.
"Cẩm Mít là một di tích đền tháp Chăm khá đặc biệt, mang một phong cách rất riêng, ẩn chứa trong nó nhiều thông tin cần tiếp tục khám phá, tìm hiểu. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục chỉnh lý hồ sơ, tư liệu để sớm hoàn thiện báo cáo tổng hợp để cung cấp một cái nhìn tổng quan về di tích này. Trước mắt, hiện một số di vật đang được lưu giữ không đúng cách thức và vai trò trong các di tích đình miếu quanh vùng. Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích thông qua bảo vệ di vật là vấn đề đặt ra và cần phải xem xét một cách nghiêm túc" - TS Vũ Quốc Hiền, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhấn mạnh.