Đà Nẵng: Gần 1 tỉ đồng thực hiện 100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố an toàn
Theo đó, đề án đề ra các mục tiêu cụ thể: 100% quận, huyện, phường, xã có kế hoạch đảm bảo an toàn thực thẩm (ATTP) thức ăn đường phố (TĂĐP) trên địa bàn quản lý; 100% cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách ATTP tuyến quận, huyện, phường, xã và cán bộ tổ công tác ATTP tuyến phường, xã được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ.
Đà Nẵng đề ra mục tiêu100% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố được kiểm tra dán nhãn đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: HC) |
100% người kinh doanh TĂĐP được cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP và giấy xác nhận khám sức khỏe; 100% người kinh doanh TĂĐP có kiến thức đúng và thực hành đúng về ATTP; 100% cơ sở kinh doanh TĂĐP đạt điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của Bộ Y tế.
100% cơ sở kinh doanh TĂĐP được kiểm tra dán nhãn đảm bảo ATTP; 100% cơ sở kinh doanh TĂĐP (kể cả cơ sở mới) được thống kê và đưa vào quản lý, có giấy cam kết bảo đảm điều kiện ATTP; hoàn thành các mục tiêu trên trong năm 2017 và duy trì chỉ tiêu 100% đến năm 2020.
Để thực hiện các mục tiêu này, đề án đề ra các giải pháp nâng cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiện toàn hệ thống quản lý ATTP TĂĐP cấp quận, huyện, phường, xã; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, trạm Y tế, tổ ATTP quận, huyện; nâng cao kiến thức, thái độ thực hành về ATTP cho các đối tượng kinh doanh TĂĐP; hỗ trợ cơ sở vật chất, địa điểm, dụng cụ, trang thiết bị cho đối tượng kinh doanh TĂĐP; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Trong đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu UBND các phường, xã chỉ đạo trạm y tế rà soát, thống kê đầy đủ các cơ sở, quán ăn không có giấy phép kinh doanh và các hộ kinh doanh TĂĐP để quản lý, tổ chức thanh tra, kiểm tra và thực hiện ký cam kết. Tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh TĂĐP ít nhất 02 lần/năm, tối đa không quá 4 lần/năm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về ATTP, trường hợp cơ sở vi phạm nhiều lần thì đình chỉ hoạt động.
Dự trù kinh phí thực hiện đề án này là 985 triệu đồng do ngân sách TP đảm bảo kinh phí cho các sở, ngành, đơn vị thuộc TP quản lý; ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của của địa phương; đồng thời các sở, ngành, địa phương chủ động huy động thêm các nguồn đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân khác. Kinh phí hỗ trợ năm đầu tiên, những năm sau người kinh doanh tự trang trải.