Đà Nẵng: Bảo đảm an toàn tuyệt đối tài liệu về chủ quyền biển đảo
Các tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được UBND huyện Hoàng Sa trưng bày phục vụ đông đảo người dân cùng du khách trong và ngoài nước tham quan, tìm hiểu - Ảnh: HC |
Bảo đảm an toàn trong mọi tình huống
Theo đó UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở VH-TT-DL phối hợp với các đơn vị liên quan đầu tư trang thiết bị bảo vệ, bảo quản cho kho lưu giữ tài liệu, hiện vật; xây dựng và triển khai các phương án phòng chống, xử lý trong mọi tình huống như thiên tai, hỏa hoạn, trộm cắp... nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tài liệu, hiện vật được lưu giữ, trưng bày trong bảo tàng và di tích; đặc biệt là các bảo vật quốc gia và các tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đồng thời yêu cầu UBND huyện Hoàng Sa, Sở VH-TT-DL và các cơ quan liên quan tuân thủ sự chỉ đạo của Ủy ban Nhà nước về Biển Đông và hải đảo, Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND TP Đà Nẵng trong việc công bố, tuyên truyền các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành hồi đầu tháng 10, trong số 30 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhân là bảo vật quốc gia đang lưu giữ tại các bảo tàng trên cả nước thì TP Đà Nẵng có 3 hiện vật. Gồm Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Bồ tát Tara. Đây là những hiện vật thuộc về nền Văn hóa Chăm, hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
UBND huyện đảo Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã sưu tầm được gần 400 tài liệu, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cho hay, hiện dự án tổ chức không gian trưng bày về Hoàng Sa tại bảo tàng này đã được các cơ quan chức năng của TP thẩm định xong và đang trình UBND TP Đà Nẵng phê duyệt.
Theo đó, không gian này sẽ được thực hiện theo 8 chủ đề, về địa lý, điều kiện tự nhiên ở Hoàng Sa; các tài liệu, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; tư liệu của các nước phương Tây khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa... Ngoài ra còn có bộ ảnh chân dung, tiểu sử, hồi ký của 25 nhân chứng từng sống và làm việc tại Hoàng Sa. Các phim tư liệu, thu âm từ các nhân chứng này sẽ được giới thiệu đến du khách, phục vụ triển lãm lịch sử và làm tư liệu pháp lý...
Chuẩn bị tiếp nhận 90 bản đồ quý về Hoàng Sa, Trường Sa
Trong khi đó, ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho biết, vào tháng 11 tới, Viện sẽ tiếp nhận 90 tấm bản đồ (gồm bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa; bản đồ vẽ Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa) do ông Trần Thắng - Chủ tịch Hội Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ sưu tầm.
90 tấm bản đồ này được in tại Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian từ năm 1626 - 1980, có kích thước từ 20x25cm đến 60x75cm. Bao gồm 3 nhóm: Nhóm bản đồ Trung Quốc trong đó xác định lãnh thổ của Trung Quốc được giới hạn đến cực nam của đảo Hải Nam; nhóm bản đồ Việt Nam xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; và nhóm bản đồ toàn khu vực Đông Nam Á, trên đó có thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo ông Trần Đức Anh Sơn, toàn bộ số bản đồ trên có giá trị khoảng 10.000USD, chủ yếu do ông Trần Thắng tự bỏ tiền mua và quyên góp từ bạn bè. Ngoài bản đồ, ông Thắng cũng đã phát hiện ba tập Atlas (tập bản đồ) do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa.
Cuốn thứ nhất là Atlas of the Chinese Empire - Trung Quốc địa đồ (1908) có từ thời nhà Thanh gồm một bản đồ tổng thể vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thước 31x41cm. Ðây là tập bản đồ chính thức, được in từ Trung Quốc.
Cuốn thứ hai là Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ (1919) được in bằng ba thứ tiếng: Trung - Anh - Pháp với số lượng giới hạn, có giá trị sử liệu cao, kích thước 61 x 71cm. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang vận động để sở hữu bản đồ này.
Cuốn thứ ba có tên Atlas Postal de Chine - Trung Hoa bưu chính dư đồ (1933) được in bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, có kích thước 61 x 71cm. Hiện tấm bản đồ này đã được TP Đà Nẵng đặt mua với giá trị 3.000 USD.
Những tấm bản đồ này tuy chưa được xác lập là văn kiện mang tính pháp lý nhưng đây thực sự là một tư liệu quý giá, một bằng chứng thuyết phục để khẳng định chủ quyền biển đảo toàn vẹn của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.