Đã đến lúc thảo luận về công nghệ tạo ra con người từ tế bào gốc?
Từ phương pháp đó, người ta sử dụng nó để tạo ra một con người hoàn chỉnh. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần phải thảo luận về khía cạnh đạo đức của công nghệ này.
Ảnh minh họa. |
Giáo sư y khoa Eli Adashi thuộc trường Đại học Brown, tác giả bài báo nói trên cho biết quá trình nuôi cấy tế bào gốc để tạo ra tế bào mầm, hay còn gọi là quá trình hình thành giao tử trong ống nghiệm (IVG) chưa được thử nghiệm với con người. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã thực hiện thành công trên những con chuột sống, cũng như những phôi chuột được lưu trữ trong phòng thí nghiệm. Đây là tiền đề để các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm với con người nếu được phép.
Giáo sư Adashi nói rằng những lợi ích y tế của công nghệ IVG là rất rõ ràng. "Hãy tưởng tượng một cô gái trẻ bị mắc bệnh ung thư, đã phải tiến hành hóa trị và xạ trị. Sau khi bệnh thuyên giảm cô ấy cũng giống như bao nhiêu phụ nữ khác muốn có một đứa con. Nhưng cô ấy đã bị vô sinh do điều trị ung thư. Cô ấy sẽ cần một người hiến tặng trứng. Tuy nhiên, tạo ra một quả trứng hoặc phục hồi trứng từ một người phụ nữ không hề đơn giản. Nó không dễ như phục hồi tinh trùng từ đàn ông. Với IVG, sẽ không cần quá trình lấy trứng phức tạp và tốn kém từ người hiến tặng. Thay vào đó, sử dụng que tăm bông để lấy tế bào niêm mạc miệng rồi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để tạo ra số trứng mà người phụ nữ cần".
Tương tự, một người đàn ông bị hiếm muộn có thể được điều trị bằng liệu pháp chỉnh sửa gene của tinh trùng. Nhưng thường rất khó thu thập đủ số tinh trùng ở những người đàn ông hiếm muộn để thực hiện liệu pháp này. Công nghệ IVG cho phép các bác sỹ tạo ra một nguồn cung cấp tinh trùng gần như không giới hạn.
IVG có thể làm cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện với chi phí rẻ hơn nhiều. Các cặp vợ chồng hiếm muộn không cần phải trải qua các quá trình thụ tinh nhân tạo phức tạp và tốn kém. Chỉ một vài phút với que tăm bông là xong.
Những lo lắng về đạo đức
Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn khiến giáo sư Adashi và các đồng nghiệp phải viết bài báo này, đó là khía cạnh đạo đức của công nghệ IVG. Các nhà khoa học cho rằng bây giờ chính là thời điểm để trao đổi về vấn đề này.
Bất kỳ công nghệ mới nào liên quan đến việc tạo ra con người sẽ phải vượt qua các bài kiểm tra khắt khe. Các nhà khoa học sẽ phải thí nghiệm trên các loài linh trưởng trước, sau đó mới đến con người. Bất kỳ đứa trẻ nào được tạo ra từ công nghệ này sẽ phải được theo dõi toàn diện để phát hiện bệnh tật hoặc các vấn đề phát sinh khác.
Khi IVG thử nghiệm thành công trên con người, thì nó sẽ phải đối mặt với những vấn đề nhạy cảm về phôi và thời gian sống của phôi – giai đoạn đầu tiên của cuộc sống. Giáo sư Adashi nhận định: "Nếu có một nguồn cung vô tận tinh trùng và trứng, người ta có thể tạo ra rất nhiều phôi thai. Cho dù việc tạo phôi là để nghiên cứu hay tạo ra các đứa trẻ, thì sẽ có rất nhiều phôi bị tiêu hủy cố ý hay không cố ý. Có nhiều người tin rằng phá hủy phôi thai chính là giết người".
Đây không phải là một vấn đề mới. Các câu hỏi về khía cạnh đạo đức của tế bào gốc và phôi người đã được đưa ra từ nhiều năm trước, thậm chí nó còn được nâng tầm lên thành một vấn đề mang tính chính trị. Giờ đây công nghệ IVG sẽ lại làm dấy lên những tranh cãi mới giữa các nhà hoạt động xã hội bảo vệ quyền lợi phôi thai và những bậc cha mẹ đang tìm kiếm phương pháp điều trị hiếm muộn.
Adashi nói rằng bài báo đầu tiên đề cập đến vấn đề nhân bản người đã xuất hiện từ năm 2005. Giáo sư Adashi cảnh báo rằng nếu các nhà khoa học không bắt đầu thảo luận về khía cạnh đạo đức thì kết quả họ nhận được sẽ không có lợi cho khoa học. "Mười năm qua không phải là quãng thời gian rất dài. Chúng ta cần phải thảo luận về khía cạnh đạo đức ngay bây giờ. Đừng để đến khi chúng ta nhìn thấy một bài viết công bố rằng quá trình tạo ra một con người đã hoàn tất. Đây là yêu cầu cấp thiết".
Theo Vnreview