Cựu Tổng thống Pakistan Musharraf bị bắt giữ tại nhà riêng
Theo hãng tin AFP, Tòa án Tối cao Islamabad đã ra lệnh bắt giữ ông Musharraf từ hôm thứ Năm với lí do ông đã sa thải các thẩm phán cấp cao trong khi còn tại vị, và đây là hành động vi phạm hiến pháp. Đây là một “cú đánh” đáng xẩu hổ vào cựu tổng tư lệnh quân đội Pakistan, người vừa trở về nước này sau 4 năm sống lưu vong.
Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf vừa bị bắt giữ tại nhà riêng. |
Đây cũng là lần đầu tiên một cựu tư lệnh quân đội bị bắt giữ. Quân đội được coi là thể chế quyền lực nhất Pakistan và đã cai trị nước này trong gần một nửa thời gian kể từ khi Pakistan ra đời cách đây 66 năm.
Vị cựu tổng thống 69 tuổi hiện đang bị quản thúc tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Islamabad. Ngôi nhà hiện đang bị báo giới vây kín bên ngoài và cảnh sát thì xuất hiện trên khắp con phố xung quanh.
Bình luận trên trang Facebook cá nhân, ông Musharraf cho biết ông sẽ đấu tranh chống lại các cáo buộc của tòa án.
“Những cáo buộc này có động cơ chính trị và tôi sẽ đấu tranh chống lại các cáo buộc đó tại tòa án nơi sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng”, ông Musharraf tuyên bố.
Các nhà bình luận cho rằng rõ ràng sự nghiệp chính trị của ông Musharraf đã kết thúc. Hôm thứ Ba (16/4), ông đã bị loại khỏi cuộc bầu cử của Pakistan, cuộc bầu cử đánh đấu cột mốc chuyển sang nền dân chủ của nước này sau khi chính phủ dân sự đầu tiên kết thúc nhiệm kỳ.
Ông Musharraf đối mặt với tội danh phản quốc và có thể bị kết án tử hình hoặc tù chung thân. Ông cũng đối mặt với cáo buộc chủ mưu ám sát cựu lãnh đạo lực lượng đối lập Benazir Bhutto vào năm 2007 và liên quan tới cái chết của một nhà lãnh đạo lực lượng nổi dậy vào năm 2006.
Nhà phân tích chính trị Hasan Askari cảnh báo rằng bất kỳ hành động bắt giữ hoặc xét xử nào có thể sẽ làm ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng đối với con đường chuyển sang nền dân chủ của Pakistan.
Ông Musharraf lên nắm quyền lãnh đạo Pakistan sau một cuộc đảo chính đẫm máu, và vào thời điểm đó hành động này của ông được hoan nghênh. Tuy nhiên vào năm 2008, ông bị buộc phải rời vị trí và bị đe dọa truy tố tội phản quốc.