Cựu Tổng thống Kuchma kêu gọi lãnh đạo Hoa Kỳ xin lỗi Ukraine
Cựu Tổng thống Ukraine Kuchma |
Phát biểu bên lề Hội nghị “Chiến lược châu Âu Yalta”, Cựu Tổng thống Ukraine Kuchma cho biết: "Người ta đã lừa dối Ukraine, nhưng điều quan trọng là cần phải trở lại và nói xin lỗi, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Ukraine tích cực hơn trong vấn đề này (chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ), vấn đề mà ngày nay thật là khủng khiếp, không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với châu Âu và thế giới".
Biên bản ghi nhớ Budapest được ký ngày 5/12/1994 giữa các nhà lãnh đạo của Ukraine, Nga, Mỹ và Anh, biên bản này đã thực sự trở thành một tài liệu quan trọng, qua đó xóa bỏ vũ khí hạt nhân của Ukraine và đặt nền móng cho việc gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 đã quy định chuyển giao các đầu đạn hạt nhân còn lại ở Ukraine tới Nga để đổi lấy sự trợ giúp quân sự trong trường hợp bị một cuộc tấn công cũng như bảo đảm sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Bên cạnh đó, Kiev phải từ bỏ tất cả kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và tham gia vào Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.
Nhưng đến năm 2014, Biên bản nghi nhớ Budapest 1994 dường như trở nên vô giá trị. Kiev đã viện cớ phàn nàn về "sự phản bội của phương Tây” và sự vi phạm biên bản này của điện Kremlin, trong khi Nga tuyên bố vẫn tôn trọng hiệp ước.
Rõ ràng là, nhìn từ phía Ukraine, việc từ bỏ vũ khí hạt nhân cho thấy sự vô lý và bất lợi đối với mong muốn tự nhiên của một quốc gia trong việc đảm bảo sự tồn tại của mình chống lại một thế lực mạnh hơn từ bên ngoài.
Theo suy nghĩ truyền thống, vũ khí hạt nhân là “thẻ bảo hiểm nhân thọ” cuối cùng đối với một quốc gia, bất kể quy mô và khả năng của các lực lượng tác chiến thông thường trên bộ. Dựa vào khả năng hủy diệt lớn của loại vũ khí này, việc sẵn sàng sử dụng chúng trong trường hợp bị một cuộc tấn công, sẽ tạo ra sự sợ hãi thậm chí cả với những đối thủ có vũ khí hạt nhân.
Suy nghĩ này vốn rất thịnh hành trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng thực tế, các vấn đề như chi phí bảo trì, yêu cầu công nghệ và các vấn đề an toàn lại tạo ra một loạt khó khăn để biến lý thuyết trên thành hiện thực.