Cựu Thủ tướng Ukraine Tymoshenko tuyên bố sẽ đòi lại Crimea và Donbass
Cựu Thủ tướng Ukraine Tymoshenko |
Lãnh đạo Đảng Tổ quốc, đồng thời cũng là cựu Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Tymoshenko mới đây đã tuyên bố ý định đòi lại Bán đảo Crimea và khu vực Donbass.
Trên trang Facebook cá nhân, nữ ứng cử viên Tổng thống viết: "Chúng tôi đã phát triển một kế hoạch tái hòa nhập và phục hồi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, chắc chắn các vùng lãnh thổ này sẽ đòi được lại".
Bà Tymoshenko cũng cho biết bà đang có chuyến thăm Hoa Kỳ, trong tất cả các cuộc gặp bà sẽ thảo luận về sự cần thiết phải thực hiện Biên bản ghi nhớ Budapest và tiến hành các cuộc đàm phán theo định dạng Budapest Plus với các nhà lãnh đạo của các nước ký kết, cũng như với sự tham gia của Cao ủy EU và lãnh đạo Đức.
"Việc tấn công vào mặt trận ngoại giao ở định dạng Budapest Plus là một phần của chiến lược an ninh và hòa bình mới. Các nhân tố khác góp phần giành chiến thắng là tăng cường quân đội Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, cũng như các hành động pháp lý để đòi lại được bồi thường".
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa kế một kho vũ khí hạt nhân đáng kể. Tuy nhiên, vào năm 1994, Kiev gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cũng như ký Biên bản ghi nhớ với Moscow, Washington và London. Các văn kiện trên đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng họ phải hủy bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn rạn nứt bởi Kiev đang ngày càng muốn gần gũi với Phương Tây, và đã trở nên căng thẳng hơn kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea.
Bên cạnh đó, tháng 4/2014, cuộc nổi dậy ủng hộ Nga nổ ra ở các khu công nghiệp miền đông Ukraine, các quan chức thân Nga ở Donetsk và Lugansk tuyên bố ly khai khỏi Ukraine. Sau vụ việc này Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga kích động và hỗ trợ cho phe ly khai.
Căng thẳng giữa hai nước lại leo thang sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine hôm 25/11. Người Nga cho rằng vụ xung đột giữa Nga và Ukraine trên biển Đen lần này, người được hưởng lợi nhiều nhất là Tổng thống Ukraine - ông Petro Poroshenko.
Được biết đương kim Tổng thống Ukraine đang có mức tín nhiệm thấp, và Nga cho rằng việc thổi phồng mối đe dọa Nga sẽ giúp ông Poroshenko vượt qua bà Tymoshenko, người có tỷ lệ ủng hộ cao nhất hiện nay, để đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống đầu năm sau.