Cứu sống người đàn ông có nhịp tim 40 lần/phút
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân |
Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cấp cứu và điều trị kịp thời, cứu sống bệnh nhân Đ.Q.O (38 tuổi) bị rối loạn nhịp tim chậm.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau ngực trái, kèm chóng mặt gây choáng, vã mồ hôi, khó thở. Ngay khi tiếp nhận, qua thăm khám các bác sĩ phát hiện anh O. bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành sau, gây biến chứng nhịp chậm 40-43 lần/phút.
Nhận định đây là một trường hợp bệnh cần xử trí cấp cứu, các bác sĩ lập tức khởi động quy trình Code STEMI và quyết định, đặt máy tạo nhịp khẩn cấp để cứu sống người bệnh tạm thời. Sau đó, tiến hành chụp mạch vành và can thiệp để giải quyết nguyên nhân nhịp chậm.
Kết quả chụp động mạch vành cho thấy, huyết khối gây tắc hoàn toàn nhánh thất sau quặt ngược. Các bác sĩ đã hút huyết khối trong lòng mạch vành, sau đó kiểm tra thấy động mạch vành đã phục hồi dòng chảy, không còn tình trạng tắc nghẽn và mạch máu không bị xơ vữa, nên quyết định không đặt stent và điều trị nội khoa.
Sau can thiệp, người bệnh đã hết khó thở, hết đau ngực, sức khỏe hồi phục tốt.
Theo các bác sĩ, rối loạn nhịp chậm block nhĩ thất độ 3 chính là mức độ cao nhất trong rối loạn dẫn truyền nhịp tim, dẫn đến việc tim không thể bóp đủ tần số nhằm cung cấp đủ máu đến các cơ quan khác, dễ dẫn đến ngất và tử vong. Các dấu hiệu thường thấy của bệnh là nhịp tim rất chậm, choáng váng, chóng mặt, khó thở, đau thắt ngực và ngất xỉu mà không rõ nguyên nhân.
Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút (trừ vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút). Ở một người khỏe mạnh, nhịp tim bình thường dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần/phút.
Nếu nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh, còn dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể làm người bệnh có cảm giác đau ngực, hồi hộp, có những trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch trẻ tuổi ngày càng tăng. Các bạn trẻ khi gặp những triệu chứng như đau tức ngực trái dữ dội, hồi hộp, khó thở,…(dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan, cần đến ngay phòng cấp cứu của các bệnh viện.
Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị kịp thời ngay trong thời gian vàng thì người bệnh sẽ giảm được biến chứng sau nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột tử.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân (khoa Tim mạch, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn) khuyến cáo: “Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh…
Đồng thời, tích cực tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm stress… cũng là một trong những yếu tố góp phần giảm nguy cơ bệnh tim mạch”.