Cựu quan chức CIA thừa nhận Crimea thuộc về Nga
Hiện chỉ có sáu quốc gia trên thế giới công nhận Crimea là một phần của Nga, trong khi nhiều nước phương Tây vẫn khẳng định rằng Nga đã dùng vũ lực để “chiếm” bán đảo này. Ông Ray McGovern, một cựu quan chức CIA, cho biết, khi truyền thông phương Tây chỉ trích Nga sau khi sự kiện này diễn ra, họ đã bỏ qua những gì đã xảy ra trước khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra.
Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý. |
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, đã có thỏa thuận với phe đối lập Ukraine nhằm chấm dứt tình trạng bạo động, quyền hành của Tổng thống sẽ giảm bớt, cuộc bầu cử toàn quốc sẽ được tổ chức và sẽ có thêm nhiều vùng tự trị. Tuy nhiên, vào ngày 22/02/2014, cuộc biểu tình đã biến thành cuộc đảo chính, chính quyền Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã bị lật đổ.
“Cuộc đảo chính thực tế bắt đầu ngày 22/02 chứ không phải ngày 23, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ phản ứng của mình trước sự kiện này”, ông McGovern nói.
Theo vị cựu quan chức CIA, chính sự mở rộng về phía Đông của NATO đã phần nào khiến Crimea tái hợp với Nga. Ông McGovern cũng nói thêm rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang là cớ để Lầu Năm Góc tăng cường sự hiện diện của quân đội và thực hiện các cuộc tập trận ở Ukraine với lý do bảo vệ biên giới nước này trước “hành động gây hấn” của Nga.
“Nếu những người trong Nhà Trắng, bộ Ngoại giao, CIA tỏ ra ngạc nhiên khi Ukraine có ý định gia nhập NATO cũng như việc họ đang thiết lập hệ thống tên lửa đạn đạo gần Biển Đen, những người đó rõ ràng không hiểu gì về lịch sử của Nga”, ông McGovern nói.
Ông McGovern cũng công nhận rằng bán đảo Crimea vốn là một phần của Nga từ nhiều thế kỷ nay, tính từ thời Nữ hoàng Catherine. Phần lớn người dân trên đảo đều là người Nga, chứ không chỉ đơn thuần là nói tiếng Nga. Vào năm 1954, Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev đã trao Crimea cho Ukraine quản lý để xây dựng lòng tin, và vào thời điểm đó Nga và Ukraine là hai trong số 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cho thấy, phần đông người dân của bán đảo đều muốn tái hợp với Nga. “Nếu đây là điều khiến ai đó ngạc nhiên, đó phải là người không am hiểu về lịch sử Nga”, ông McGovern nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.