Cựu Giám đốc BVĐK Hòa Bình chỉ đạo hỗ trợ gia đình nạn nhân như thế nào?
“Áy náy và cảm thấy có lỗi”
Trong hồ sơ vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình liên quan đến sự cố chạy thận, có nội dung thể hiện: ngày 31/8/2017, phía Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) đã chuyển 370 triệu đồng cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, và thông qua Bệnh viện để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân chạy thận.
Hồ sơ cũng thể hiện đến tận tháng 11/2018, tức 1,5 năm sau sự cố, các gia đình nạn nhân mới nhận được khoản tiền hỗ trợ này. Trả lời luật sư tại phiên tòa về trách nhiệm trong việc này, bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình - cho biết đây cũng là vấn đề khiến ông “áy náy và cảm thấy có lỗi”.
Bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. |
Ông Dương cho biết, trong ngày 29/5/2017 (ngày xảy ra sự cố y khoa làm 8 người tử vong), ông chỉ đạo hỗ trợ ngay tại chỗ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng. Ngày hôm sau, đại diện bệnh viện xuống từng gia đình nạn nhân để phúng viếng mỗi nạn nhân 10 triệu đồng. Như vậy, mỗi gia đình nạn nhân có người tử vong được hỗ trợ trước mắt 20 triệu đồng.
Cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng phản đối việc đại diện Bệnh viện có mặt tại tòa cho rằng trong số 20 triệu đồng nói trên, có 10 triệu đồng để sau này trừ vào nghĩa vụ bồi thường của bệnh viện.
“Buổi sáng nay tôi nghe luật sư đại diện cho Bệnh viện (luật sư Nguyễn Hữu Toại – PV) nói rằng trong số 20 triệu đồng ấy, có 10 triệu đồng là tiền phúng viếng, 10 triệu đồng còn lại là để trừ vào nghĩa vụ đền bù. Nếu tôi nói sai thì tôi xin lỗi, tôi không đồng ý với chỗ này, bởi vì bản thân tôi đã chỉ đạo rất rõ việc đó”, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình nói.
Theo ông Dương, 20 triệu đồng mỗi gia đình nạn nhân nhận được nói trên là để “vừa thắp hương, vừa chia sẻ”, chứ không phải tiền bồi thường, đồng thời bày tỏ tiếc nuối vì sau đó khoảng 1 tuần ông bị đình chỉ công tác nên không có điều kiện làm các việc liên quan. Sau 15 ngày, hết thời hạn tạm đình chỉ công tác, ông Dương trở lại làm việc và lại tiếp tục bị đình chỉ công tác thêm 15 ngày.
Sau khi trở lại công việc, cuối tháng 8/2017, với tư cách là Giám đốc Bệnh viện và Bí thư Đảng ủy Bệnh viện, bị cáo đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp để bàn về trách nhiệm hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
“Kính thưa HĐXX, thưa vong linh người đã mất, cũng như thân nhân và những bệnh nhân còn sống. Tại cuộc họp bàn và lên phương án phối hợp với Công ty Thiên Sơn, bị cáo yêu cầu phòng chuyên môn tính một mức giá gọi là “phương phưởng” theo quy định của pháp luật. Bị cáo có nhớ là lúc đó tính bồi thường (tổn thất tinh thần-PV) khoảng 150 triệu đồng/người”, ông Trương Quý Dương nói.
Bị cáo Dương tiếp tục nói về quan điểm của bệnh viện tại cuộc họp ngày hôm đó: “Về sau này khi Tòa xử, nếu số tiền yêu cầu mức bồi thường cao hơn (so với mức 150 triệu đồng/người - PV) thì bệnh viện sẽ bổ sung, nhưng nếu yêu cầu mức thấp hơn thì phần dư ra bệnh viện sẽ dùng để phúng viếng tiếp, đấy là bị cáo chỉ đạo như thế”.
Sau khi kết thúc cuộc họp, ông Trương Quý Dương yêu cầu mời đại diện Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh lên Hòa Bình để cùng họp 3 bên. Cũng từ cuộc họp này dẫn đến việc Công ty Thiên Sơn chuyển cho bệnh viện 370 triệu đồng vào ngày 31/8/2017 như đã nói trên để hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
Ông Trương Quý Dương (giữa). |
Tại cuộc họp này, ông Trương Quý Dương yêu cầu Thiên Sơn tạm ứng trước 30%, phía BVĐK tỉnh Hòa Bình sẽ bàn với đại diện của Công ty Trâm Anh, hoặc bệnh viện sẽ tạm ứng 70% còn lại để tương đương với số tiền 150 triệu đồng/1 nạn nhân.
“Chính vì vậy mới có số tiền 370 triệu đồng, chứ không phải tự nhiên có con số này”, bị cáo Trương Quý Dương nói. “Sau khi đã thống nhất xong chủ trương như vậy, ngày 31/8/2017, Công ty Thiên Sơn lên nộp 370 triệu đồng. Bị cáo yêu cầu các phòng ban chuyên môn triển khai nốt trách nhiệm của bệnh viện, mấy ngày sau đó bị cáo chỉ có họp Hội đồng kỷ luật, và đến ngày 08/9/2017 bị cáo bị cách chức Giám đốc”.
Chỉ hết tháng 9/2017 là “gọn cái việc đấy”
Bị cáo Trương Quý Dương khẳng định đã bàn giao toàn bộ những phần việc còn lại cho người kế nhiệm, bản thân ông khi đó đã không còn đủ điều kiện để thực hiện nốt ý nguyện đối với các gia đình nạn nhân.
“Mặc dù là nói những lời này hơi muộn màng, nhưng một lần nữa cũng rất mong vong linh những người đã mất, người nhà nạn nhân và những bệnh nhân còn sống, thôi thì bị cáo không dám thanh minh nhưng cũng xin được hiểu cho tấm lòng của bị cáo như vậy”, ông Trương Quý Dương nói trước Tòa.
Luật sư đặt câu hỏi nếu không bị cách chức, bị cáo đã có thể thực hiện ý nguyện trên với các gia đình nạn nhân?
Bị cáo Dương trả lời: “Ý chí chủ quan của bị cáo là như vậy, nhưng biết đâu sau khi xin ý kiến Sở nọ Sở kia họ lại bảo không được phép làm như vậy. Như bình thường bị cáo mà làm thì chắc chỉ hết tháng 9/2017 là gọn cái việc đấy”.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) và luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương. |
Xác nhận những lời khai trên của ông Trương Quý Dương, đại diện của Công ty Thiên Sơn – luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - khẳng định những nội dung có liên quan đến Công ty Thiên Sơn là đúng, nhưng ngay tại thời điểm đó phía Thiên Sơn chưa đưa ra được con số cụ thể.
Sau khi ông Dương không còn là Giám đốc, phía BVĐK tỉnh Hòa Bình bất ngờ không đả động gì đến chuyện đó.
“Tôi có hỏi họ là vì sao, tôi có trực tiếp gặp cả Giám đốc Hoàng (ông Lê Xuân Hoàng, Giám đốc mới của Bệnh viện – PV), nhưng anh Hoàng nói rằng nay mai Tòa xử thế nào chúng tôi theo thế, tôi không bàn nữa”, đại diện của Công ty Thiên Sơn nói.
Sau nhiều lần làm việc với Bệnh viện và được giải thích cần có đầy đủ thủ tục để thực hiện, trong khi các gia đình nạn nhân cũng đã rất mệt mỏi nên Công ty Thiên Sơn làm văn bản gửi Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, đề nghị cơ quan này hỗ trợ Công ty rút lại khoản tiền đó để Thiên Sơn trực tiếp hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân vào tháng 11/2018 vừa qua.