Cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal không tin Nga dùng Novichok đầu độc
Đây là nội dung được tiết lộ trong cuốn sách mang tên “The Skripal Files,” của nhà báo Mark Urban thuộc hãng tin BBC phát hành trong tuần này.
Guardian đưa tin theo ông Urban, cựu điệp viên tình báo MI6 cố gắng tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra với cha con ông này sau vụ hạ độc được cho là bằng chất độc thần kinh Novichok.
Cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. |
Hồi tháng Ba, ông Skripal cùng con gái Yulia được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh nằm trên băng ghế bên ngoài một trung tâm mua sắm của Anh ở thành phố Salisbury. Hai người nhanh chóng được đưa vào bệnh viện và được chẩn đoán phơi nhiễm với chất độc Novichok.
Sau 5 tuần rơi vào trạng thái hôn mê, ông Skripal tỉnh lại nhưng phải đối mặt với những khó khăn liên quan tới thay đổi tâm lý. Đầu tiên, ông Skripal cho rằng điện Kremlin không phải là chủ mưu trong vụ hạ độc cha con ông. Song dần dần, ông Skripal đã thiên về giả thuyết Nga là chủ mưu trong vụ hạ độc, theo ông Urban. Về phần mình, Nga nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ việc của cha con ông Skripal, đồng thời kêu gọi chính phủ Anh hợp tác điều tra làm sáng tỏ sự việc.
Cũng theo ông Urban, trong lúc cuộc chiến thông tin giữa London và Moscow bùng nổ, ông Skripal từng nhiều lần ngồi một mình trong khu vườn gần bệnh viện Salisbury để hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra.
Trái với tiên lượng xấu ban đầu, hai cha con ông Skripal đã phục hồi thần kỳ và xuất viện, nhưng nơi ở hiện tại của họ lại được chính phủ Anh giấu kín.
Nội dung trong cuốn sách của ông Urban còn nhắc tới hàng loạt cuộc gặp giữa ông này với cựu điệp viên Skripal vào mùa hè năm 2017. Đây cũng là thời điểm ông Skripal sống yên bình và an toàn trong căn nhà ở thành phố Salisbury.
Theo tác giả Urban, ông Skripal từng nói “lo sợ về Tổng thống Vladimir Putin”. Do đó, dù không tin bản thân gặp nguy hiểm nhưng cựu điệp viên MI6 vẫn tránh đưa ra những phát ngôn công khai để cô con gái Yulia Skripal và cậu con trai Sasha của ông này có thể dễ dàng từ Moscow tới Anh thăm cha.
Cũng theo ông Urban, cựu điệp viên Skripal là người thường dành phần lớn thời gian trong ngày để theo dõi kênh Channel One của Nga.
Skripal là cựu đại tá quân báo Liên Xô từng bị kết tội phản quốc, bán bí mật quốc gia cho Anh qua hai thời kỳ Liên Xô và Liên bang Nga. Năm 2004, ông ta mới bị phát hiện và bị bắt.
Trong những lần trò chuyện với phóng viên BBC, ông Skripal còn bày tỏ sự ủng hộ với quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga của Tổng thống Putin vào năm 2014. Ông Skripal còn khẳng định, không có chuyện quân đội Nga đã tiến vào vùng phía đông Ukraine bởi nếu như vậy, quân đội Nga sẽ nhanh chóng áp sát thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, nội dung trong cuốn sách của ông Urban lại không lý giải được mối nghi ngờ chủ chốt về việc tại sao Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU), đơn vị ông Skripal từng làm việc, lại ra tay với ông này ngay trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga.
Trong khi đó, hồi đầu Chín, các công tố viên Anh tiết lộ hai nghi phạm người Nga âm mưu ám sát cha con Skripal bằng chất độc Novichok là Alexander Petrov và Ruslan Boshirov. Tuy nhiên, họ cho rằng Petrov và Boshirov chỉ là những cái tên giả được hai nghi phạm sử dụng để nhập cảnh vào Anh.
Bellingcat và Insider, hai trang điều tra trực tuyến, đã xác định người tự nhận có tên Ruslan Boshirov thực ra là Anatoliy Chepiga, đại tá Nga từng tham gia chiến đấu tại Chechnya, theo Guardian. Cựu binh này đã được trao danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga vào tháng 12/2014 và đang phục vụ trong GRU.
Còn theo tác giả Urban, ông Skripal đã hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây sau khi chuyển tới Anh sinh sống vào năm 2010. Ông Skripal từng tới Mỹ vào năm 2011, Cộng hòa Séc vào năm 2012 và cả Estonia. Vào mùa hè năm ngoái, ông Skripal còn dành 1 tuần ở Thụy Sĩ.