Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Nga không phải mối đe dọa
Ông Perry khi còn đương chức đã từng tuyên bố rằng việc NATO mở rộng ra phía đông Châu Âu là một sai lầm lớn và là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. Lần này, ông cũng nhắc lại quan điểm này khi ông không cho rằng việc NATO kết nạp Macedonia hay Montenegro vào NATO sẽ có lợi cho liên minh này.
Binh lính Mỹ tập trận tại Latvia. |
“Có thể nói rằng sự hiệu quả của liên minh quân sự sẽ bị giảm bớt nếu có quá nhiều nước thành viên trong đó. Tôi cho rằng rất có thể chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc, hoặc đến gần sự kết thúc của quá trình mở rộng này”, ông Perry nói. Ông cũng nói thêm, NATO giờ đây đã từ bỏ việc kết nạp Ukraine, đồng thời khẳng định ông “không thấy Nga là mối đe dọa đối với Mỹ, không có ý định gây chiến với Mỹ”.
Mặc dù ông nhận thấy rằng Nga và Mỹ vẫn có những bất đồng về một số vấn đề, trong đó có việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, ông Perry tin rằng Washington và Moscow đều có chung lợi ích quốc gia và hai nước có thể hợp tác song phương. “Tôi hiểu rằng rất khó để có quan hệ ngoại giao khi hai bên có những bất đồng, tuy nhiên Mỹ và Nga đều có nhiều điểm chung”, ông Perry nói.
“Cả Mỹ và Nga đều không muốn chiến tranh hạt nhân. Cả Mỹ và Nga đều không muốn khủng bố bằng hạt nhân. Cả Mỹ và Nga đều phản đối phổ biến vũ khí hạt nhân. Giữa hai bên có những điểm tương đồng và chúng ta nên hợp tác với nhau để củng cố hơn nữa quan điểm của mình”, ông Perry nhận định.
Mặc dù Nga và Trung Quốc mới đây đã bị chính phủ xác định là thách thức lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ, song ông Perry nói rằng ông không đồng tình với quan điểm của Lầu Năm Góc và rằng Washington nên tập trung củng cố quan hệ của mình với Nga.
“Không có lý do nào để người Mỹ và người Nga phải có thái độ thù địch với nhau. Trong qua khứ hai nước đã hợp tác tốt đẹp. Vào thời điểm tôi là bộ trưởng quốc phòng, binh lính Mỹ và Nga đã hợp tác với nhau tại Bosnia và động thái này đã rất hiệu quả. Hai nước cũng đã phối hợp với nhau để giải giáp vũ khí hạt nhân, và cùng nhau Mỹ và Nga mỗi bên đã tiêu hủy 4.000 vũ khí này”, ông Perry nói.
“Hai bên có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung. Đó là điều có thể và nên làm. Thay vì lo lắng về những gì có thể xảy ra trong 10 năm tới, điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thù địch với Mỹ, chúng ta phải tập trung tìm cách để tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó”, ông Perry kết luận.