Cựu Bộ trưởng Ba Lan: Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ là “thòng lọng” của Châu Âu
“Đức đang theo đuổi chính sách liên minh với Nga và họ muốn thắt chặt thòng lòng đối với chúng ta bằng Dòng chảy Phương Bắc 2. Bọn họ muốn xiết chặt Ba Lan và các nước Trung Âu và buộc chúng ta phải vĩnh viễn phụ thuộc vào sức mạnh chính trị và kinh tế của họ”, ông Macierewicz nhận định.
Một đoạn đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được thiết lập. |
Ông nói thêm Ba Lan sẽ chỉ có thể trở thành một quốc gia độc lập khi các căn cứ quân sự của Mỹ được thiết lập tại đây và dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bị hủy bỏ. Theo ông, đây là hai mục tiêu chính mà chính sách đối ngoại của Ba Lan cần hướng đến. “Chúng ta phải hiểu rằng chỉ có Mỹ mới giúp Ba Lan giải quyết những vấn đề hiện nay”, ông Macierewicz nhấn mạnh.
Tuyên bố của cựu Bộ trưởng Ba Lan được đưa ra sau khi phát ngôn viên của chính phủ Đức Martina Fietz nói rằng Berlin coi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, có mục đích cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu, là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu khí đốt của Đức được dự báo sẽ tăng lên trong vài năm tới.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmeier đã hoan nghênh Dòng chảy Phương Bắc 2. “Tôi muốn những dự án tư nhân có mục đích thúc đẩy ngành năng lượng đất nước được thành công”, ông nói.
Vào tháng 2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng chính phủ của bà coi Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án kinh tế và không ảnh hưởng đến kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của đất nước. Tuyên bố của bà được đưa ra sau khi Đức cho phép tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xây dựng và vận hành đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 tại lãnh hải nước này mặc cho sự phản đối từ Ba Lan.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án chung do các tập đoàn Gazprom của Nga, Engie của Pháp, OMV AG của Áo, Shell của Hà Lan – Anh, và Uniper cùng với Wintershall của Đức thực hiện. Dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, đường ống này sẽ cung cấp 55 tỉ mét khối khí đốt từ Nga cho Liên minh Châu Âu mỗi năm.