Cuối năm thêm một ca cấp cứu của "biệt đội giải cứu tinh hoàn"
Ảnh minh họa |
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Liên, mới đây nhất trường hợp 1 nam thanh niên 18 tuổi, ở Hà Nội đưa vào bệnh viện cấp cứu với tình trạng đau dữ dội ở tinh hoàn.
Bác sĩ Liên cho biết bệnh nhân nam này bị đau từ đêm nhưng vì chưa có kiến thức nhiều về các nguy hiểm của tinh hoàn khi đau nên cố chịu. Đến sáng bệnh nhân mới vào viện. Lúc đó, bác Liên nhận được thông tin có ca cấp cứu theo dõi xoắn tinh hoàn.
Với phản ứng nhanh của “biệt đội giải cứu tinh hoàn”, bác sĩ Liên đã nhanh chóng tới hỏi bệnh và khám cho bệnh nhân. Với dấu hiệu đặc trưng: Đau bìu cấp, tinh hoàn nằm ngang, nâng bìu không giảm mức độ đau....bác sĩ Liên nghĩ ngay ra xoắn tinh hoàn. Lúc này, bác sĩ chỉ kịp bảo đồng nghiệp cho nhịn ăn và chuẩn bị mổ.
Chị gái của bệnh nhân được bác sĩ giải thích và đồng ý cho mổ nhưng bố của bệnh nhân lại không đồng ý. Bác sĩ lại mất thêm 1 giờ chờ đợi bố của bệnh nhân vào viện và giải thích về nguy hiểm của bệnh lý xoắn tinh hoàn. Bác sĩ giải thích rất kỹ, ông bố mới đồng ý cho mổ.
Bác sĩ Liên cho biết khi mổ ra tinh hoàn đã tím như quả nho. Bác sĩ phải chườm ấm, phóng bế mới có nguy cơ phục hồi. Chỉ cần chậm thêm chút nữa thì nam thanh niên sẽ phải cắt bỏ tin hoàn.
Bác sĩ Liên cho biết xoắn tinh hoàn là một cấp cứu niệu khoa. Cần phải chẩn đoán nhanh chóng và điều trị sớm do thời gian là yếu tố then chốt để bảo tồn được tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ em hơn nhưng cũng có thể gặp ở những nam giới sau tuổi dậy thì.
Phần lớn trường hợp xoắn tinh hoàn là do những thiếu sót về giải phẫu dẫn đến thừng tinh bị dài quá mức và tinh hoàn bị treo một cách bất thường trong bìu. Tinh hoàn ẩn cũng làm gia tăng nguy cơ bị xoắn. Thừng tinh dài quá mức khi di động sẽ xoắn vào chính nó.
Trong quá trình xoắn như vậy, dòng chảy trong tĩnh mạch sẽ bị ngừng lại ban đầu là do các thành mạch dễ bị xẹp và áp lực trong lòng mạch thấp. Nối tiếp với hiện tượng tắc nghẽn tĩnh mạch sẽ là giảm dòng chảy vào của động mạch, cuối cùng sẽ dẫn đến tắc hoàn toàn. Khi thừng tinh bị xoắn hoàn toàn và máu không đến được, tinh hoàn sẽ nhanh chóng bị nhồi máu và mất chức năng vĩnh viễn một cách nhanh chóng. Chẩn đoán nhanh chóng tình trạng xoắn tinh hoàn đóng vai trò rất quan trọng để bảo tồn khả năng sinh con của bệnh nhân. Tỷ lệ bảo tồn được xấp xỉ 100% trong 3 giờ đầu, 83 - 90% trong 5 giờ, 75% trong 8 giờ, và 50 - 70 % trong 10 giờ.
Tỷ lệ bảo tồn được sẽ giảm xuống còn 10 đến 20% khi tình trạng xoắn tinh hoàn vẫn còn tồn tại cho đến trên 10 giờ. Sau 24 giờ, khả năng bảo tồn được tinh hoàn rất kém ngoại trừ trường hợp bệnh nhân bị xoắn không liên tục. Những dấu hiệu trên siêu âm tùy thuộc vào thời gian xoắn và mức độ lan rộng của tổn thương mạch máu.
Bác sĩ Liên cho biết đau tinh hoàn cấp tính chiếm khoảng 0,5% trường hợp nhập viện tại khoa cấp cứu. Những chẩn đoán phân biệt của đau tinh hoàn cấp bao gồm viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, xoắn phần phụ tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn và thoát vị ổ bụng vào bìu. Những triệu chứng cơ năng và thực thể về bệnh nguyên của một bệnh nhân bị đau tinh hoàn cấp tính chồng chéo lên nhau một cách đáng kể, do đó gây khó khăn để chẩn đoán phân biệt những tình huống lâm sàng này.
Tuy nhiên, việc phân biệt giữa các bệnh nguyên khác nhau là rất cần thiết để có thể can thiệp nhanh chóng trong những trường hợp bị xoắn tinh hoàn, chấn thương và thoát vị nghẹt. Chẩn đoán sai một trường hợp xoắn tinh hoàn có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cơ quan này và gây vô sinh.