Cuộc sống “tù nhân” của Bạc Hy lai sẽ ra sao?
Trong “nhà tù” đó, ông Bạc có thể hưởng thụ cuộc sống an nhàn nhưng sẽ bị các đặc vụ Trung Quốc theo dõi sát sao.
Bạc Hy Lai, cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh vừa bị Tòa án nhân dân Tế Nam tuyên án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quĩ và lạm dụng chức quyền.
Theo hãng tin AFP, dự kiến ông Bạc sẽ bị giam trong nhà tù Qincheng ở phía bắc thủ đô Bắc Kinh.
Nhà tù “hạng sang” Qincheng ở phía bắc thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc , dự kiến sẽ là nơi giam giữ cựu chính trị gia Bạc Hy Lai. |
Nhà tù này có tường cao bao quanh nhưng không có dây thép gai hay chòi canh gác.
“Nó như một khách sạn 5 sao vậy”, Bao Tong, cựu ủy viên thường trực Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là người từng bị giam 7 năm trong “nhà tù” này, cho hay.
“Lần đầu tiên nhìn thấy “phòng giam” của mình, tôi cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa dễ chịu”, Dai Qing, người từng bị giam 10 tháng trong “nhà tù” này kể lại.
Dai Qing còn cho biết phòng của bà rộng khoảng 30m2 và “có trần nhà cao và có cả một phòng tắm riêng” còn các giám thị thì đối xử “ân cần và thân thiện”.
Nhớ về lúc được cho phép ra ngoài đến gặp người thân bị ốm, bà kể: “Giám đốc nhà tù cho phép tôi mặc quần áo tử tế trước khi ra ngoài. Ông ấy làm tôi nhớ tới hiệu trưởng cũ của tôi ngày xưa”.
Các tù nhân cũng cho biết họ có thể tự chọn trang phục, uống sữa trong bữa sáng và ăn các món canh và thịt trong bữa trưa và bữa tối. Tờ Thời báo Bắc Kinh còn cho biết một số đầu bếp của nhà tù từng có thời gian làm việc tại các khách sạn hàng đầu ở Bắc Kinh và chuẩn bị những đồ ăn chuyên phục vụ “cho cấp bộ trưởng”.
“Qincheng tốt hơn bất kỳ nhà tù nào ở Trung Quốc”, Chen Zeming, một cựu tù nhân trong nhà tù này nhận xét.
“Bè lũ bốn tên “ trong đó có Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông, cũng từng bị giam trong nhà tù này sau vụ xét xử năm 1981.
“Một số tù nhân còn được cho phép ra ngoài để trồng rau, và tôi còn nhận ra Diêu Văn Nguyên (một thành viên của “Bè lũ bốn tên”)”, ông Chen nói.
Được xây dựng từ những năm 1950 với sự giúp đỡ của Liên Xô, Qincheng là nhà tù duy nhất ở Trung Quốc chịu sự quản lí trực tiếp của cơ quan an ninh chứ không phải các cơ quan thi hành án.
“Nhà tù này được Trung ương Đảng kiểm soát trực tiếp. Hàng ngày, tình hình các tù nhân được báo cáo trực tiếp cho họ”, ông Bao nói.
“Bạc Hy Lai sẽ không bị đối xử tệ bạc, ông ấy sẽ có nhiều thời gian hít thở khí trời và giao tiếp với người khác”, tù nhân Chen nhận định.
Ông Bao cũng cho biết thêm “Nếu Bạc Hy Lai muốn thứ gì mà Trung ương Đảng đồng ý, ông ấy sẽ có thứ đó. Nếu ông ấy muốn nhảy múa cả ngày và Trung ương Đảng cho phép thì ông ấy có thể nhảy múa cả ngày được”.
Các quan chức cấp cao bị giam giữ trong nhà tù Qincheng thường được thả tự do sớm vài năm trước thời hạn để chăm sóc sức khỏe và bị quản thúc tại nhà riêng.
“Sau 2 năm, họ sẽ nói rằng ông Bạc bị ốm và ông ấy sẽ được thả tự do và sẽ sống bên một chiếc hồ, hoặc cũng có thể bên bờ biển”, ông Bao tuyên đoán.