Cuộc chiến thương mại Philippines - Trung Quốc: Trứng chọi đá?
Dữ liệu mới nhất cho thấy thương mại song phương Trung Quốc – Philippines từ năm 2009 đến 2016 phát triển đáng kể bất chấp sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi PCA công bố phán quyết (12/7), các nhà hoạt động và cư dân mạng ở cả hai bên kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của nhau. Vậy trong cuộc đua này, bên nào sẽ giành chiến thắng?
Trung Quốc
Lời kêu gọi phổ biến nhất trên tiểu blog Weibo của Trung Quốc là tẩy chay xoài của Philippines. Dù theo các nhà phân tích, xoài chỉ chiếm 0,11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Philippines và chỉ chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng lời kêu gọi này cũng nhằm ám chỉ chung các mặt hàng khác của Philippines.
Tổng thống Philippines Duterte (người mặc áo kẻ vàng) |
Các sản phẩm của Mỹ cũng bị đối xử tương tự bởi Bắc Kinh cho rằng Mỹ đã xúi giục, hậu thuẫn Manila trong vụ kiện. Thậm chí nhiều người dân Trung Quốc còn xông vào đập phá hay biểu tình bên ngoài những cửa hàng này.
Hôm 20/7, tờ New York Times đưa tin, nhiều người dân Trung Quốc đã tỏ thái độ rất giận dữ đối với các thương hiệu của Mỹ ở Trung Quốc như KFC và Apple sau phán quyết của PCA. Nhiều thanh niên Trung Quốc còn mặc áo có slogan kêu gọi đập iPhone để phản đối phán quyết.
Nhiều người cầm những biểu ngữ như: “KFC và Mc Donalds, hãy ra khỏi Trung Quốc ngay” hay “Cái bạn ăn là KFC của Mỹ, cái bạn mất là thể diện của tổ tiên chúng ta”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Cao Yan (Cao Yến) của Trung Quốc mới đây cho biết, quan hệ thương mại với Manila đang phát triển thuận lợi. Khi được hỏi liệu Trung Quốc sẽ có biện pháp trả đũa thương mại đối với Philippines do phán quyết của PCA hay không, ông này trả lời: "Mặc dù một số cư dân mạng đã kêu gọi tẩy chay các sản phẩm đến từ Philippines, nhưng thực tế tình trạng này không hề xảy ra".
Người Trung Quốc biểu tình trước một cửa hiệu KFC. |
Philippines
Trong khi đó, động thái đáng chú ý nhất sau phán quyết của PCA từ Philippines diễn ra vào tuần trước khi Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ loại bỏ những loại vũ khí sản xuất tại Trung Quốc trong các lực lượng vũ trang Philippines. Ông cho rằng Bắc Kinh có thể đang âm mưu phá hoại quân đội của nước này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh rộng lớn hơn, nhiều chuyên gia cho rằng, Philippines không đủ khả năng cắt đứt thương mại với Trung Quốc và cũng không thể dùng vũ lực. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn chưa hỗ trợ cuộc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc bởi quá nhiều công ty của họ đang phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Philippines dù nhận được nhiều sự hỗ trợ tinh thần nhưng thực tế lại không có gì.
Theo nhiều nhà kinh tế, Philippines sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi bị tẩy chay hơn là phía Trung Quốc. Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với Philippines lớn hơn chiều ngược lại.
Tim Condon, nhà kinh tế trưởng Ngân hàng ING tại Châu Á cho biết, hiện tượng tẩy chay sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Philippines bởi Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Philippines.
Ông Condon giải thích: “Một cuộc tẩy chay chính thức sẽ giảm lượng xuất khẩu xuống bằng không. Điều đó sẽ là một cú sốc lớn cho nền kinh tế”. Ông nhấn mạnh, trong trường hợp thị trường Trung Quốc đóng cửa đối với hàng hóa của Philippines thì hậu quả sẽ cực kì tồi tệ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Natixis (Pháp) nhận định: “Khi Trung Quốc “hắt hơi”, phần còn lại của châu Á sẽ bị “cảm lạnh” nhưng mức độ lây lan sẽ rất khác nhau. Philippines và Ấn độ có độ “miễn dịch” cao nhất đối với những căng thẳng địa chính trị cũng như các chính sách kinh tế có mục tiêu gây tổn thương của Trung Quốc”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo từ nguồn tin Asean Today. Trang chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị của khu vực Đông Nam Á.