Cục trưởng Cục BVTE: Hỗ trợ trẻ em trong các vụ xâm hại tình dục là ưu tiên số 1
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). (Ảnh: TP) |
Thưa ông, ngày càng có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính?
Theo tôi, nguyên nhân chính đó là đạo đức xã hội có vấn đề về vi phạm thuần phong mỹ tục. Đáng lo ngại những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gần đây mà thủ phạm lại chính là thành viên trong gia đình, thậm chí là cha dượng, cha đẻ của các em, đây là điều báo động về đạo đức xã hội.
Thứ hai, về giáo dục pháp luật không chỉ tuyên truyền vận động mà cần phải có những giáo dục mang tính chất răn đe để họ hiểu hành vi vi phạm quyền trẻ em, hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em thì theo quy định pháp luật bao giờ cũng bị xử lý nghiêm khắc và có những tình tiết tăng nặng nhất.
Cung cấp cho người dân những địa chỉ tin cậy có thể thông báo thông tin để họ yên tâm khi họ thông tin đến thì sẽ được tiếp nhận, xử lý và gia đình họ, con em họ được bảo vệ. Chính phủ đã có dịch vụ đó, sắp tới sẽ có quy định rõ trong hệ thống pháp luật.
Vì sao vụ án dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu suốt 2 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm để Chủ tịch nước phải chỉ đạo, thưa ông?
Cái này thuộc về trách nhiệm của cơ quan điều tra và cơ quan truy tố, cơ quan công an Bà Rịa – Vũng Tàu về việc thu thập bằng chứng, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Dâm ô trẻ em là vi phạm Luật hình sự và là một trong những hành vi bị xử lý hình sự. Việc thu thập bằng chứng liên quan đến dâm ô trẻ em đòi hỏi sự vào cuộc phải kịp thời, phải thu thập thông tin rộng rãi và cần khuyến khích người dân tố cáo.
Theo quy định pháp luật, khi cơ quan điều tra vào cuộc tránh kết luận oan sai cho người dân, bên cạnh đó cần kịp thời để bảo vệ lợi ích và phòng chống sự tổn hại, xâm hại của trẻ em. Tất cả hệ thống pháp luật trong đó có Luật tố tụng hình sự, Luật trẻ em đều quy định những vụ việc liên quan đến trẻ em thì phải ưu tiên.
Vấn đề ở chỗ hỏi họ thực sự ưu tiên, thực sự tích cực hay chưa? Tinh thần đó đã được Bộ Công an quán triệt, các cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã thực hiện tinh thần đó, bây giờ cần quán triệt tinh thần đó trở thành công việc thường xuyên của cơ quan công an các cấp, đặc biệt cơ quan điều tra ở cấp huyện, cấp tỉnh để ưu tiên và tích cực hơn nữa khi điều tra những vụ việc liên quan đến trẻ em.
Phải tăng cường nghiệp vụ chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt trong những vụ việc khó khăn như việc thu thập chứng cứ như những vụ dâm ô trẻ em.
Nhưng cũng đã có nhiều nơi đã thành công trong việc xử lý những đối tượng dâm ô trẻ em rồi thì cần học hỏi kinh nghiệm để tăng cường năng lực, nghiệp vụ cho những người có thẩm quyền tố tụng và tham gia tố tụng. Những người tham gia tố tụng theo luật cũng đã quy định phải có hiểu biết về tâm lý trẻ em, quyền trẻ em, giáo dục trẻ em… để khi tham gia những việc đó có thể tiếp cận các đối tượng trẻ em để có thể thu thập những chứng cứ tốt nhất mà không gây tổn hại cho trẻ em một lần nữa.
Còn vụ xâm hại trẻ em ở TP HCM, Cục đã vào cuộc như thế nào?
Cục cũng đã có trao đổi trực tiếp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh để phối hợp với cơ quan công an, phối hợp với nhà trường, đặc biệt Trung tâm công tác xã hội trẻ em để vào cuộc để hỗ trợ đối tượng trẻ em này kết nối với các dịch vụ nhằm giảm bớt tổn hại cho trẻ em.
Trách nhiệm của nhà trường phải tích cực phối hợp với cơ quan Công an để xác minh và đưa ra kết luận vụ việc, xử lý bằng pháp luật chứ nhà trường không có thẩm quyền quyết định xác nhận trẻ em này bị tai nạn chứ không phải bị xâm hại tình dục. Ngay cơ quan điều tra còn chưa kết luận được thì nhà trường không có căn cứ để đưa ra kết luận. Không nên vì bệnh thành tích của nhà trường mà che giấu, phủ nhận và không hợp tác với cơ quan công an, nhất là ngành thương binh xã hội vì họ có trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo vệ nạn nhân cũng như điều tra nên nhà trường cần tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chứ không nên đóng cửa trường hay đưa ra kết luận vội vã, không đúng pháp luật.
Cục là đơn vị quản lý nhà nước về vấn đề chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vậy Cục có những biện pháp nào bảo vệ những nạn nhân là trẻ em bị xâm hại tình dục?
Tất cả những vụ việc khi xảy ra thì hoặc là trực tiếp những người có trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục hoặc là thông qua dịch vụ đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em và nhân viên tư vấn, cũng như nhân viên trị liệu về mặt tâm lý thì Cục đều có hướng dẫn, phối hợp với các địa phương để tiếp cận với trẻ em là những nạn nhân, đánh giá các nhu cầu của các em như thế nào để cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ trị liệu về mặt tâm lý.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để ổn định cuộc sống cho các em. Đây là công việc thường xuyên của Cục làm và Cục có hẳn đường dây nóng, dịch vụ và ở địa phương có các trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh hoặc cấp huyện để hỗ trợ nạn nhân.
Thời gian qua, bất kỳ có trường hợp nào mà Cục có thông tin, thông qua báo chí hay đường dây nóng thì Cục đều có liên hệ trực tiếp với địa phương thông qua ngành lao động thương binh xã hội các cấp để xác định nhu cầu và tình hình nạn nhân để cung cấp các dịch vụ.
Ở góc độ trách nhiệm của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là bảo vệ nạn nhân và phối hợp với các cơ quan tư pháp để cung cấp chứng cứ, quy trình phối hợp này đã được quy định rõ trong Luật và Nghị định của Chính phủ.
Có ý kiến cho rằng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào cuộc chậm trễ những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, ông có ý kiến thế nào?
Nếu nói chậm trễ thì có những công việc của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội làm thường xuyên thì không phải lúc nào cũng phản ánh lên cơ quan báo chí, đặc biệt liên quan đến bảo vệ bí mật riêng tư cho nạn nhân. Đây là việc làm thường xuyên và ưu tiên của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng như hệ thống cơ quan lao động thương binh xã hội các cấp.
Khi đã là công việc thường xuyên thì không có thể nói là tích cực hay chậm trễ được. Đây là công việc ưu tiên số 1.
Xin cảm ơn ông!