Cực nhọc công việc của thợ móc cống ở Sài Gòn
Nguy hiểm luôn rình rập
Để đảm bảo cho các hệ thống thoát nước ở Sài Gòn được thông suốt, công việc của những người công nhân công ty cấp thoát nước TP HCM bắt đầu làm việc từ 7h sáng mỗi ngày. Sau khi bật nắp hố ga cho mùi hôi và khí độc bay bớt đi, những người công nhân lại tranh thủ ăn lót dạ bằng ổ bánh mì, nắm xôi vừa mua vội bên đường, có người thì chuẩn bị công cụ lao động để vào ca.
Những công nhân nạo vét cống phải ngâm mình trong dòng nước bẩn, hôi thối. |
Làm công việc móc cống, chở rác thải tập kết đến khoảng 14h chiều họ tranh thủ về nhà tắm, giặt xong chiều tối lại đi làm công tác trực mưa đến 20h tối. Đang làm việc nếu có mưa là ngay lập tức những người công nhân công ty cấp thoát nước phải có mặt ở các điểm ngập kịp thời vớt rác thải để nước trên các tuyến đường không bị ngập úng. Hôm nào Sài Gòn mưa lớn vào buổi tối các công nhân phải thức trắng đêm đi làm công tác nạo vét rác, lá cây ứ đọng như hầm ga để đảm bảo cho các hệ thống cống nước không bị tắc nghẽn.
Những ai có chứng kiến công việc họ làm mới hiểu được những vất vả. Vừa kéo thùng rác đen ngòm, đặc quánh mùi hôi thối lên xe, ông Nguyễn Thanh Tùng (47 tuổi, tổ trưởng tổ 4, xí nghiệp 5, công ty cấp thoát nước TP HCM) chia sẻ, công việc này vất vả, cực nhọc nên anh em trong nghề phải giúp đỡ, hỗ trợ nhau cùng làm để hoàn thành tốt công việc. Người cũ hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cần thiết cho những người mới vào như mở nắp hố ga phải để khoảng 15 phút cho khí độc bay đi, phải mặc đồ bảo hộ rồi mới xuống làm.
Công việc vất vả, các công nhân luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau. |
“Làm công việc này đụng phải kim tiêm, sành vỡ, cây nhọn đâm phải là điều không thể tránh khỏi. Bởi những vật này đều nằm ở dưới nên không thể lường trước được vì vậy anh em chỉ nhắc nhở nhau khi xuống dưới cống làm nên chọn một vị trí đứng cố định, tránh đi lại để hạn chế gặp tai nạn”, ông Tùng tâm sự.
Cũng theo người công nhân này, ở trung tâm thành phố còn đỡ chứ làm ở vùng ven như quận 12, quận Bình Tân có các cơ sở nhuộm, thuốc sát trùng thải ra ô nhiễm thì cực nhọc và độc hại lắm. Ông kể, có lần đoạn cống ngầm bị tắc, công nhân phải chui vào lòng cống để bươi móc những chất thải, rác rưởi cho đường cống được chảy thông suốt thì khi lên, chân tay đã dính phải những hóa chất làm ngứa ngáy, khó chịu.
Gần nửa đời gắn bó với nghề
Những ngày này Sài Gòn vào mùa ngập nước nên công việc của những người móc cống lại trở nên vất vả, họ phải thường xuyên ngâm mình dưới cống nước bẩn, múc từng xô rác đen ngòm chất lên xe chuyên dụng. Mỗi khi những trận mưa lớn xảy ra, họ lại phải chia nhau từng tổ đi kiểm tra, nạo vét.
Ông Nguyễn Hùng Dũng (49 tuổi) có 28 năm gắn bó với nghề cho hay: những ai yêu nghề, đam mê mới sống được với công việc này bởi điều kiện làm việc luôn trong tình trạng dơ bẩn.
Khi vào nghề này, ông Dũng vẫn chưa có gia đình nhưng nay ông cũng đã ngấp nghé 50 tuổi con cái đuề huề. Ông tâm sự, mới đầu ông cũng mặc cảm với công việc suốt ngày làm ở những nơi bẩn thỉu, thế rồi dần dần vợ ông cũng hiểu và thông cảm.
Bữa cơm vội của công nhân nạo vét cống |
“Anh em trong tổ vẫn hay nói vui làm nghề này toàn người có vợ rồi chứ thanh niên ít người theo làm lắm vì mặc cảm tự ti, và khó mà người được người yêu chấp nhận. Niềm vui mà chúng tôi cảm nhận được là tình yêu thương của anh em trong nghề cũng như mỗi khi hoàn thành tốt công việc đi ra đường các ống cống không bị tắc nghẽn”, ông Dũng cười nói.
Dù cực nhọc, vất vả nhưng những người công nhân công ty cấp thoát nước TP. HCM vẫn không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để làm sao hoàn thành tốt công việc. Ông Dũng và nhiều công nhân chia sẻ, rất cần người dân thành phố nâng cao ý thức, không vứt xả rác bừa bãi xuống cống để đường phố sạch đẹp hơn và những công nhân móc cống cũng không còn vất vả nhiều.