Cuba sẽ không dùng tên Fidel Castro cho bất cứ tượng đài hay địa danh nào
Ông Raul cũng nói thêm, tên của lãnh tụ Castro sẽ không được đặt cho bất kỳ tượng đài hay địa điểm công cộng nào, thể theo ước nguyện của anh trai mình.
Chủ tịch Cuba Raul Castro có mặt trong lễ tưởng nhớ người anh trai và lãnh tụ vĩ đại Fidel Castro. |
“Fidel là tấm gương sáng đối với tất cả chúng ta”, Chủ tịch Raul phát biểu trước đám đông. “Chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại, xung đột và mối đe dọa trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba”.
Tro cốt của lãnh tụ Castro sẽ được đặt gần mộ anh hùng giải phóng dân tộc Cuba Jose Marti sau một lễ tang đơn giản bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng (tức 7 giờ tối theo giờ Việt Nam) ngày 4/12, qua đó kết thúc 9 ngày để quốc tang ở Cuba.
Bên cạnh Chủ tịch Raul Castro còn có những chính trị gia cánh tả trên thế giới và các quan chức trong chính phủ Cuba, cùng nhau có mặt để đưa tiễn lãnh tụ Fidel về nơi an nghỉ cuối cùng. Những người dân có mặt đã hô vang khẩu hiệu “tôi là Fidel” trên các tuyến phố.
“Sự ra đi của lãnh tụ Castro không có nghĩa rằng chúng tôi sẽ lụn bại”, ông Ansel Hechavarria, một thợ máy cầm trên tay lá cờ Cuba cho biết. “Chúng tôi sẽ tiếp nối những nỗ lực của ông ấy”.
Chiếc xe chở tro cốt của lãnh tụ Castro hiện đang đi qua một hành trình dài 1.000km, đi qua tuyến đường mà ông cùng các đồng đội quân nổi dậy đã đi để lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista vào năm 1959.
Người dân Cuba cầm theo bảng khẩu hiệu "Tôi là Fidel". |
Chủ tịch Raul Castro cho biết, hàng triệu người dân đã xuống đường để bày tỏ sự biết ơn đối với lãnh tụ Fidel. Nhiều người đã tập trung ở hai bên đường mỗi khi xe tang của lãnh tụ Cuba đi qua trong suốt tuyến đường của xe.
Mặc dù khắp đất nước có những tấm biển ghi những khẩu hiệu và hình ảnh của lãnh tụ Castro, song ông Raul cho biết sẽ không có bức tượng hay địa điểm nào được đặt tên theo anh trai mình. “Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Cuba hoàn toàn không muốn bất kỳ hình thức sùng bái cá nhân nào”, ông Raul cho biết.
Cùng với người em trai của mình và các đồng chí thân cận, lãnh tụ Fidel Castro đã bắt đầu cuộc khởi nghĩa tại Cuba vào ngày 26/07/1953 bằng một cuộc tấn công bất thành vào pháo đài Moncada ở thành phố Santiago, phía Đông Cuba.
Sau khi lật đổ chế độ độc tài, lãnh tụ Castro đã xây dựng một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa với sự hỗ trợ từ Liên Xô, và ông đã nhiều lần thoát khỏi âm mưu ám sát của Mỹ.
Xe chở tro cốt của lãnh tụ Fidel Castro trước sự chứng kiến của người dân Cuba. |
Chính phủ cộng sản Cuba vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi bức tường Berlin sụp đổ, tuy nhiên đất nước đã gặp nhiều khó khăn về kinh tế do bị Mỹ cấm vận và phải nhận sự trợ giúp từ phía chính quyền Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, người được coi là “học trò” tư tưởng chính trị lãnh tụ Castro.
Trong vòng hai thập kỷ qua, một số chính phủ có lý tưởng chính trị chịu ảnh hưởng của lãnh tụ Fidel Castro có khuynh hướng cánh tả đã nổi lên ở Châu Mỹ Latinh.
Trong số những chính trị gia có mặt trong lễ tiễn đưa lãnh tụ Fidel có Tổng thống Bolivia Evo Morales cùng các cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Dilma Rousseff. Ông Lula da Silva và bà Rousseff đều là những đồng minh thân cận của Cuba trong vòng hơn một chục năm trở lại đây.