Cử tri muốn đóng tàu lớn để không bị chèn ép trên biển
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao đổi với cử tri sáng 1/7 (Ảnh: Nguyễn Dũng) |
Cử tri quận Hai Bà Trưng đã gửi những kiến nghị khi tiếp xúc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đoàn ĐBQH sáng 1/7.
Đề cập đến vấn đề biên giới hải đảo, cử tri Đoàn Xuân Nghĩa (phường Quỳnh Mai) nhìn nhận, Việt Nam đang ở gần một đất nước mà từ thời xa xưa đến nay luôn gây ra rất nhiều khó khăn cho chúng ta. Từ 1/5 Trung Quốc đã đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam, rồi lại chuẩn bị điều thêm mấy giàn khoan ra nữa. “Bảo vệ biên giới biển đảo quốc gia không phải chỉ đời chúng ta mà con cháu sau này cũng phải gìn giữ. Để đảm bảo chủ quyền biển đảo, Quốc hội nên có chủ trương, Chính phủ vận động xã hội hóa đóng tàu thuyền”.
Cử tri cho rằng, số tiền 16 nghìn tỷ đồng Quốc hội vừa duyệt chi cho ngư dân và cảnh sát biển tuy lớn nhưng không đủ. Cho rằng thuyền ta quá nhỏ nên bị chèn ép, cử tri đề nghị cần kêu gọi nhân dân đóng góp tàu lớn, đánh bắt hải sản xa bờ.
Cùng chung quan điểm trên, cử tri Dương Đức Hải (phường Bùi Thị Xuân) đề nghị xây dựng nên Quỹ nghĩa tình hải đảo, biển đảo. Cử tri cho biết, khi Biển Đông dậy sóng nhiều nơi trên địa bàn thành phố cũng như trên toàn quốc đã tổ chức các chương trình quyên góp hướng về biển đảo quê hương.
Cử tri Hải dẫn dụ ở phường Bùi Thị Xuân đã ủng hộ 90 triệu đồng và ngay ở khu dân cư chỉ với 200 dân nhưng đã ủng hộ 18 triệu đồng; nhiều phường khác trên địa bàn quận Hai Bà Trưng cũng ủng hộ số tiền 300 – 400 triệu đồng cho biển đảo.
“Người dân rất có nghĩa tình ủng hộ biển đảo. Hà Nội cần kêu gọi toàn bộ trong dân để có một số tiền ra tấm ra món. Nếu 29 quận, huyện đều quyên góp ủng hộ thì số tiền sẽ rất lớn. Hà Nội sẽ có một hình ảnh đẹp và ý nghĩa nếu ủng hộ ngư dân với nhũng con tàu mang tên Hà Nội, hay Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng” – cử tri Hải nói.
Tại buổi tiếp xúc với đoàn ĐBQH, cử tri quận Hai Bà Trung cũng đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ nên quy định với 2 mức và không nên quy định ở 3 mức.
Cử tri quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố nên vận động 29 quận huyện Hà Nội quyên góp ủng hộ biển đảo(Ảnh: Nguyễn Dũng) |
“Chúng ta đã có chủ trương phê bình và tự phê bình. Nếu làm tốt chủ trương này, tôi tin sẽ không phải lấy phiếu hay bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng vì không làm tốt điều này nên mới phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Việc này chỉ nên dừng ở 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm” – cử tri kiến nghị.
Giải đáp những băn khoăn của cử tri nêu về tình hình Biển Đông, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, chủ trương của ta là phấn đấu không để xảy ra xung đột về vũ trang, vũ lực, còn các biện pháp hòa bình để bảo về chủ quyền luôn được sử dụng tối đa.
Về kiến nghị xã hội hóa tàu thuyền trên biển, việc này Chính phủ đang chỉ đạo tích cực. Bản thân thành phố cũng ủng hộ cho quỹ nghĩa tình biên giới biển đảo và nhiều hoạt động đóng góp khác. Hà Nội đã ủng hộ Trường Sa một con tàu với số tiền 40 tỷ đồng, chuyên vận chuyển từ đảo này sang đảo khác trên Biển Đông. Bí thư Hà Nội mong muốn người dân tiếp tục duy trì, kêu gọi sự đóng góp cho biển đảo quê hương.
Đối với chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, ông Phạm Quang Nghị cho đây là việc làm mới, chưa nước nào làm. Các nước họ chỉ bỏ phiếu cá nhân như Thủ tướng hay cá nhân Bộ trưởng nào đó nếu có vi phạm khuyết điểm, chẳng hạn như vụ chìm tàu ở Hàn Quốc, Bộ trưởng bị kỷ luật, còn Thủ tướng thì xin từ chức. Còn ở Việt Nam, lúc đầu định lấy phiếu tín nhiệm hàng năm ở các chức danh, Hà Nội là nơi đầu tiên thực hiện. Đối tượng lấy phiếu cũng rộng hơn của Quốc hội, vì ngoài các thành viên trong Ủy ban, Hà Nội còn lấy phiếu với 5 giám đốc sở, ngành hay phải tiếp xúc nhiều với người dân. Hà Nội lúc đầu còn định chỉ lấy phiếu với 2 mức tín nhiệm. Nhưng thấy đây là lần đầu, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên phải chờ xin thêm ý kiến...
Mặc dù chưa thông qua Nghị quyết 35 sửa đổi tại kỳ họp vừa qua song Bí Thư Hà Nội Phạm Quang Nghị vẫn cho biết, kỳ họp cuối năm nay Quốc hội vẫn lấy phiếu tín nhiệm bình thường. Việc dừng chưa thông qua nghị quyết là để cân nhắc xem lấy đối tượng nào, quy định mấy mức và lấy mấy lần trong mỗi nhiệm kỳ.