Cử tri Hà Lan phản đối hiệp ước Ukraine – EU, Kiev bị "dội nước lạnh"
Thỏa thuận liên kết Ukraine - EU chỉ có hiệu lực khi nhận được sự phê chuẩn của 28 quốc gia thành viên. Trước đó, tất cả các thành viên EU, bao gồm Hà Lan, đã phê chuẩn, nhưng quá trình này bị đình trệ sau khi xuất hiện một bản kiến nghị gồm hơn 450.000 chữ ký buộc chính phủ Hà Lan phải tiến hành trưng cầu dân ý về thỏa thuận trên.
Người dân Hà Lan phản đối hiệp ước Ukraine - EU |
Cuộc trưng cầu dân ý hôm 6/4 của Hà Lan đã thu hút tới 32% cử tri đi bỏ phiếu. Tỷ lệ phản đối hiệp ước là 64%.
Nhiều cử tri cho biết họ muốn lên tiếng phản đối không chỉ đối với hiệp ước Ukraine – EU mà còn với các nhà hoạch định chính sách của EU về hàng loạt vấn đề từ khủng hoảng di cư đến kinh tế.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thừa nhận, với kết quả bỏ phiếu trên, chính phủ của ông không thể tiếp tục phê chuẩn hiệp ước hiện tại.
Tuy nhiên, hiện Hà Lan đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU nên ông sẽ cần thời gian để tìm hiểu xem nên thay đổi hiệp ước thế nào để đáp ứng mong muốn của tất cả các bên.
Ông Rutte cho hay, chính phủ của ông sẽ tham khảo ý kiến quốc hội và các đối tác châu Âu. Việc này có thể mất vài tuần hoặc vài ngày.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, đất nước ông sẽ tiếp tục di chuyển về phía EU bất chấp kết quả trưng cầu dân ý của Hà Lan.
Ông nói: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận liên kết với EU, bao gồm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện”.
Về phía Nga, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết, kết quả là "một dấu hiệu cho thấy thái độ của châu Âu với hệ thống chính trị Ukraine".
Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu thuộc Nghị viện châu Âu, ông Manfred Weber, cho rằng, kể quả trưng cầu dân ý của Hà Lan là một "thất bại lớn" của chính phủ Hà Lan và cần được xem xét nghiêm túc.
Ông này nói: "Chúng ta cần khiến châu Âu dân chủ và minh bạch hơn”. Ông đề xuất các chính trị gia gần gũi với người dân hơn và làm cho họ hiểu rằng, chính phủ thật sự quan tâm tới các mối lo ngại của họ.
Mỹ cũng tỏ ra thất vọng với kết quả trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói: "Rõ ràng chúng tôi thất vọng với kết quả trên, nhưng chúng tôi tôn trọng quan điểm của người dân Hà Lan. Chúng tôi tôn trọng tiến trình chính trị của Hà Lan”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin BBC của Anh. BBC được thành lập năm 1922. BBC có các chương trình thông tin trên TV, trên đài phát thanh và trên Internet.