Cử tri đề nghị Chủ tịch Hà Nội ra quyết sách thận trọng hơn
Tại buổi làm việc, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) phát biểu: “Nhân dân chúng tôi không phủ nhận vai trò của đồng chí Chủ tịch từ khi nhận nhiệm vụ đến thời điểm hiện tại đã thể hiện tính quyết đoán, đã tạo cho bộ mặt Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đồng chí cũng cần cân nhắc kỹ hơn, bình tĩnh hơn, thận trọng trọng hơn để khi đưa ra quyết sách sẽ có tính khả thi và sự đồng thuận cao hơn, tránh hiểu lầm không đáng có”.
Về nghị quyết HĐND TP đến năm 2030 cấm phương tiện xe máy hoạt động trong thành phố, cử tri Trần Ngọc Toán cho rằng nếu thực hiện được thì đó là điều tuyệt vời. Song ông Toán cho rằng điều này không khả thi, khó thực hiện bởi các lý do: hạ tầng giao thông hiện nay quá kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ nên chưa thực sự thu hút người dân tham gia phương tiện công cộng; quỹ đất không có để mở mang đường; hầu hết người dân có mức thu nhập trung bình, phải tích cóp mua xe máy để thuận tiện đi lại...
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) |
“Phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm thì chen chúc, bỏ chuyến, thái độ lái xe phục vụ chưa tốt, thậm chí thiếu văn hóa. Ngay cả khi dự án BRT vội vàng chiếm 1/3 mặt đường cho một chiếc xe chạy, trong khi hàng chục phương tiện khác chen chúc nhau 2/3 mặt đường còn lại. Nhưng xe BRT không nhanh được là bao bởi đến ngã 3, ngã 4 vẫn phải dừng chờ đèn đỏ”- cử tri Toán nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo cử tri này, mật độ dân số cơ học tăng cao do luật định cư, luật đầu tư, nhất là đầu tư xây dựng các tòa nhà chọc trời trong các khu đất vàng trong nội thành kéo theo bao nhiêu hộ dân và phương tiện phục vụ cá nhân đi kèm.
“Như vậy nếu cấm phương tiện xe máy thì doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lắp ráp xe máy sẽ thế nào? Người dân nghèo không có ô tô thì sao? Như vậy khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu sang đi ô tô”- cử tri Toán đặt câu hỏi.
Giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội, cử tri Toán kiến nghị hạn chế thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng để bán căn hộ trong các quận nội thành, có như vậy mới giảm được dân số, tất nhiên sẽ giảm các phương tiện cá nhân đi cùng. Đồng thời phải tăng cường phương tiện công cộng chất lượng, nâng cao ý thức đội ngũ lái xe, phụ xe, sắp xếp điểm nhà chờ đón phù hợp nhất. Tăng cường ý thức trách nhiệm của các lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt, tịch thu các loại xe dù, bến cóc vi phạm.
Cần có khảo sát số lượng xe hiện có của mỗi gia đình; cần quy định hạn sử dụng xe, khi nào hết hạn phải hủy xe và thành phố thu mua hỗ trợ. Bên cạnh đó, không bán ra lượng xe máy mới...
Chung mối quan tâm này, cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) cũng cho rằng, hiện nay TP có khoảng 5 triệu xe máy, đến năm 2020 có khoảng 7 triệu chiếc. Hạ tầng không đáp ứng với phương tiện công cộng, trong khi đó xe máy vừa là phương tiện đi lại vừa là công cụ để kiếm sống. Do đó việc cấm xe máy cần phải có lộ trình.
“Cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, nếu đi lại thuận tiện người dân sẽ tự bỏ xe máy để đi xe bus”- cử tri Dũng nhấn mạnh.