Cụ già 81 tuổi không đi rong là… ốm
Cụ Lãng và giỏ hàng rong trên đường Hà Nội |
Gõ cửa nhà người lạ vì một câu đối
Bắt đầu câu chuyện, cụ cố Ngọ (tên thật là Võ Duy Lãng, 81 tuổi, Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) kể về câu chuyện mà ông thấy hưng phấn nhất, đã diễn ra cả 10 năm trước đây, ngày ông mới ra Hà Nội kiếm sống.
Đó là lần ông đang ngồi nghỉ gần khu nhà trọ, chuyện trò với mấy người ông già trong xóm thì thấy cửa sổ một ngôi nhà mở ra. Qua song cửa sắt, ông thấy được câu đối:
Tổ tiên tích đức muôn đời thịnh
Con cháu thảo hiền vạn đại vinh
Càng đọc ông càng thấm thía, càng suy ngẫm ông càng thấy ý nghĩ của câu đối trên. Không ngần ngại, ông gõ cửa, giới thiệu và xin vào nhà họ để nói chuyện. Hóa ra chủ ngôi nhà là một giáo sư về ngôn ngữ học. Câu chuyện giữa hai người cứ quanh đi quẩn lại về đạo con cháu, về thờ cúng tổ tiên… thoắt cái trời tối lúc nào không hay.
Sau lần chuyện trò ấy, ông thấy mọi người cùng khu ngõ có vẻ đối xử với ông khác hơn, thấy họ chào hỏi ông nhiều hơn mỗi lần ông xuất hiện. Ông bảo, ông nhớ mãi cuộc chuyện trò này vì nhờ nó mà những người sống quanh ông nhìn ông nói riêng, những người cùng quê Thanh Hóa của ông nói chung bằng một con mắt khác, đỡ kỳ thị hơn.
Ông tự hào, trong hơn chục năm bán rong khắp Hà Nội, ông luôn được tôn trọng vì ông không tơ hào một đồng nào của ai, sống phải đạo với mọi người ông gặp, từ bạn chợ đến khách hàng. Thậm chí có những khu vực quen thân với ông đến mức, dù không mua gì, họ cũng mở cửa mời ông vào nhà nghỉ ngơi, mời ông cốc nước mát để ông đỡ khát trong tiết trời mùa hè oi bức, nóng nực.
Ông cười vui bảo, cả 10 năm rong ruổi khắp Hà Nội bán hàng, ông chưa một lần phải dùng đến một viên thuốc cảm, chắc ông trời thương ông. Rồi ông nói nhỏ, ra vẻ bí mật “Ông mà nghỉ bán hàng một ngày là ốm ngay, số trâu rồi, phải cày suốt thế đấy”.
Dạy con cháu bằng những bài học đi rong…
Ngày mới đi bán rong, hàng tháng ông đều giúp 2 người con trai nuôi cháu nội ăn học ở Hà Nội. Đến bây giờ, ông rất tự hào vì những đứa cháu của ông đều đã trưởng thành, ăn học đàng hoàng và đứa nhiều thì đã học thạc sĩ, đứa ít đều đã là tú tài, có công việc ổn định.
Sau khi các cháu ăn học xong, ông lại góp sức xây nhà cho 2 người con trai. Mỗi tháng ông kiếm được ít tiền đều dành để gửi về cho các con trả nợ dần tiền đã vay mượn để xây nhà. Trả cho người con cả xong thì đến người con trai thứ 2. Trả hết nợ xây nhà, ông vẫn dành tiền cho con. Mỗi tháng ông lại cho họ vài trăm để họ sẵn tiền nộp sản, tiền phân bón cho Hợp tác xã mỗi khi vào mùa vụ.
Vợ con, cháu chắt đều bắt ông rời Hà Nội về nhà nhưng ông không nghe. Ông bảo, còn sức là ông còn đi rong. Ông muốn làm cái cột trong nhà cho con cháu dựa vào. Nhà nào cũng thế, có cây cột vững thì ngôi nhà mới vững. Ông muốn cả nhà ông khỏe mạnh, yêu thương nhau nên mỗi khi có dịp về nhà, ông lại quây quần con cháu để kể lại những câu chuyện về những người xa lạ đã đối xử với ông.
Đó là câu chuyện người đi đường nhắc ông vào gốc cây nghỉ mỗi khi trời nắng nóng hay chuyện thì người bán trà đá mang biếu ông một cốc nước khi thấy ông ngồi nghỉ cạnh đấy. Lúc thì có khách hàng mời ông cốc nước mía… Rồi ông kết luận “những người không quen biết còn đối xử với nhau tốt thế, sao chúng ta là người một nhà, một cha một mẹ sinh ra lại không thể đoàn kết, yêu thương nhau”.
Mỗi câu chuyện của ông dành dụm được trên con đường mưu sinh đều trở thành những bài học mà bất cứ ai nghe được đều cảm thấy thấm thía…