Cộng đồng người Việt tại Séc kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh
Các khách mời thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam |
Mối quan hệ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực
Ông Martin Tlapa, Thứ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc, Đại sứ các nước, đại diện Ngoại giao đoàn tại Praha, lãnh dạo các hội đoàn người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, cùng toàn thể cán bộ nhân viên Đại sứ quán đã tham dự sự kiện.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn nêu bật ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Sau khi điểm lại một số sự kiện lớn diễn ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây, như Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Đại sứ khẳng định Việt Nam luôn là người bạn, một đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh, mối quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục và hợp tác phát triển. Các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau trong năm 2019 đang tạo xung lực cho mối quan hệ song phương có bước phát triển mới trong năm 2020 – đồng thời cũng là năm hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thay mặt chính phủ Cộng hòa Séc, Thứ trưởng ngoại giao Martin Tlapa đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện qua việc cộng đồng quốc tế mới đây tín nhiệm bầu Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Khẳng định Cộng hòa Séc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, ông Tlapa cho biết, cả hai nước đều mong muốn hiểu biết nhau nhiều hơn và tìm kiếm cơ hội mới tăng cường hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực như giao thông vận tải, thị trường số, tài chính, du lịch và giao lưu nhân dân. Ông hy vọng, việc mở đường bay thẳng giữa Praha và Hà Nội trong thời gian tới sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác song phương.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Tlapa cũng đánh giá cao vị thế, uy tín và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Séc vào xã hội sở tại, coi đây là cầu nối cho quan hệ hữu nghị truyền thống đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Tại buổi lễ, Đại sứ Hồ Minh Tuấn, Thứ trưởng ngoại giao Cộng hòa Séc Martin Tlapa cùng quan khách nâng cốc chúc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ngày càng phát triển. Các vị khách mời đã thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam, xem một số tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Người Việt được công nhận là một cộng đồng dân tộc thiểu số
Người Việt tại Séc là một cộng đồng dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc. Hiện nay (năm 2013), có khoảng 65.000 người Việt Nam đang sinh sống hợp pháp tại quốc gia Trung Âu này.
Trước đó, theo điều tra dân số năm 2001, số người có quốc tịch Việt Nam tại Cộng hòa Séc là 18.200. Con số này đã tăng lên thành 53.110 vào năm 2011, trở thành số người ngoại quốc đứng thứ ba tại nước này, chỉ sau Ukraina và Slovakia. Cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Cộng hòa Séc là người Việt Nam. Người Việt Nam đến Tiệp Khắc lần đầu vào năm 1956 để du học theo thỏa thuận về giáo dục giữa hai chính phủ cộng sản lúc bấy giờ. Số người Việt Nam nhập cư vào Cộng hòa Séc tăng nhanh cho đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa tại nước này sụp đổ vào năm 1989. Thế hệ đầu tiên của người Việt Nam tại đây chủ yếu kinh doanh trong những cửa hàng nhỏ, còn thế hệ người Việt tiếp theo sinh ra tại Séc nổi tiếng với thành tích học tập rất tốt.
Năm 1950 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam được duy trì và phát triển tốt đẹp từ đó đến nay.
Đáng lưu ý, ngày 3 tháng 7 năm 2013, chính phủ Séc đã mở rộng Hội đồng Dân tộc Thiểu số Quốc gia, bổ sung thêm đại diện của cộng đồng người Việt. Với quy chế là một dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt tại Séc sẽ có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để phát triển về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình. Tại các địa phương có nhiều người Việt Nam sinh sống, trẻ em có thể được học kiến thức bằng tiếng Việt.
Quy chế này cũng đảm bảo cho người Việt Nam quyền sử dụng tiếng Việt tại công sở cũng như tòa án. Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam tại Séc có thể thành lập chương trình phát thanh và truyền hình bằng tiếng Việt. Cộng đồng người Việt tại Séc là dân tộc thứ 14 tại Séc.