Công bố 13 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua
Công bố 13 đạo luật vừa được Quốc hội thông qua
Sáng ngày 16-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 Luật, Bộ luật được được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn.
Chiều cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật, gồm: Luật Giá; Luật Giám định Tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước và Luật Biển Việt Nam.
Infonet sẽ giới thiệu toàn văn một số luật quan trọng, trước mắt xin giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam. Mời bạn đọc tải về tại đây
Đảo Trường Sa Lớn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: Đỗ Hùng/TNO |
Tại buổi họp báo công bố luật, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết, tại chương VII quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của bộ luật sửa đổi, Điều 115 quy định về nghỉ lễ, tết ghi rõ “người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong Tết Âm lịch 5 ngày”. Nếu ngày nghỉ trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
Cũng về vấn đề chế độ, luật mới tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng. Tuy nhiên lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.
Để bảo vệ quyền lợi người lao động về lâu dài, một cách căn cơ, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, luật cũng thống nhất quan điểm không tăng giờ làm thêm dù có rất nhiều quan điểm, kiến nghị trước đó. Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động, theo đó, được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ/năm. Một số trường hợp đặc biệt, số giờ làm thêm được đẩy lên nhưng không quá 300 giờ/năm.
Liên quan chặt chẽ đến Bộ luật Lao động (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng được Văn phòng Chủ tịch nước công bố. Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 2 Chương và 14 điều so với Luật hiện hành.
Tại buổi công bố, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - nhấn mạnh, tầm quan trọng của luật khi lần đầu tiên xác định vị trí pháp lý của Công đoàn; xác định quyền thành lập, gia nhập Công đoàn của người lao động; quyền và trách nhiệm của đoàn viên Công đoàn…
Đặc biệt là luật này quy định rõ về tài chính Công đoàn, cụ thể là phí Công đoàn 2% trên quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội và xử lý các tranh chấp.
Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống hoạt động rửa tiền.
Luật Phòng, chống rửa tiền có 5 Chương, 50 Điều, được xây dựng theo hướng quy định, chi tiết cụ thể, số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không nhiều.
Gồm 5 Chương, 35 Điều, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Tại cuộc họp báo công bố các luật chiều ngày 16-7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều và có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, việc xây dựng Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ra, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Theo Người Lao Động, Thanh Niên