Con gái đau bụng kinh quằn quại, mẹ vẫn kiên quyết không cho dùng thuốc giảm đau
Nhiều phụ huynh thấy con gái đau bụng kinh quằn quại nhưng vẫn kiên quyết không cho con dùng thuốc vì sợ tác dụng phụ.
Chị Nguyễn Thị Xuân có một cô con gái năm nay học lớp 8. Mỗi lần cô bé đến chu kỳ kinh nguyệt đều phải nghỉ học vì đau bụng. Nhìn còn đau tới tái mặt, chị Xuân chỉ biết động viên con chịu đựng.
Chị Xuân kể ngày còn thanh niên chị cũng bị đau như vậy nhưng chỉ cần uống nước ấm và chườm ấm bụng là đỡ. Không hiểu sao cách này áp dụng cho con gái không hiệu quả.
Tháng trước, chị đi làm về thấy con nằm li bì, mồ hôi đầm đìa, người mệt như sợi bún vì đau bụng kinh. Chị lo quá nên đưa con đi kiểm tra.
Qua thăm khám bác sĩ cho biết bé không có biểu hiện gì bất thường và kê cho thuốc giảm đau. Tuy nhiên, bà mẹ này vẫn lo lắng, sợ cho con dùng thuốc giảm đau sẽ sinh tác dụng phụ.
Theo TS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên bộ môn Phụ sản, Trường đại học Y Dược TP.HCM, đau bụng kinh có triệu chứng đau quặn từng cơn, trướng bụng dưới, nặng nề ở vùng tiểu khung kèm theo nhức đầu, đau lưng, buồn nôn khi hành kinh. Có hơn một nửa bé gái mới dậy thì bị triệu chứng này, dân gian hay gọi là thống kinh.
Nguyên nhân gây thống kinh là do niêm mạc tử cung tiết ra nhiều prostaglandin trong ngày hành kinh, đặc biệt là trong 48 giờ đầu (trường hợp này gọi là thống kinh nguyên phát); do thiếu vi chất hoặc do các bệnh lý khác (gọi là thống kinh thứ phát).
Ảnh minh hoạ. |
Thống kinh không nguy hiểm nhưng khiến các bé thấy đau đớn, mệt mỏi, lo lắng và thiếu tự tin, ảnh hưởng tới sinh hoạt và học tập hàng ngày. Tình trạng này sẽ mất đi khi hệ nội tiết hoạt động ổn định hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Tạ Việt Cường, BV Phụ sản Hà Nội cũng cho biết đau bụng kinh có hai lý do. Thứ nhất nguyên do vấn đề sinh lý, do tử cung vào lúc hành kinh có hiện tượng co bóp để niêm mạc bong ra, gây hiện tượng hành kinh. Mức độ đau ở những trường hợp này thường nhẹ, cá biệt cũng có trường hợp đau bụng rất nhiều và chỉ giảm khi bắt đầu chảy máu.
Thứ hai, đau bụng kinh do có bệnh lý ở vùng tiểu khung, vùng cơ quan sinh dục do bệnh lý lạc nội mạc tử cung ở cơ tử cung, hoặc ở các tạng trong tiểu khung như buồng trứng, thành ruột, thành chậu hông… Với trường hợp này, tình trạng đau bụng chỉ giảm đi khi mà bệnh được điều trị triệt để.
Uống thuốc giảm đau như thế nào?
Bác sĩ Việt Cường cho biết, ở trường hợp thứ nhất bạn gái hoàn toàn có thể sử dụng thuốc giảm đau hỗ trợ. Các bà mẹ cho rằng không nên sử dụng thuốc giảm đau vì gây nghiện là không đúng. Thuốc giảm đau có nhiều loại và cần sử dụng thích hợp.
Thuốc giảm đau được WHO phân loại thành ba nhóm dựa trên tác dụng dược lý và hiệu quả điều trị:
Nhóm I: Thuốc giảm đau ngoại biên, ví dụ như: Paracetamol, acid acetylsalicylic (Aspirin) và thuốc chống viêm không steroid (gọi tắt là các NSAID) như Ibuprofen ở liều giảm đau. Các thuốc nhóm này thường được dùng để điều trị cơn đau nhẹ đến trung bình.
Nhóm II gồm các thuốc Opioid như codein và tramadol, thích hợp điều trị các cơn đau cường độ trung bình. Thuốc thường được bán trên thị trường kết hợp với một thuốc giảm đau ngoại biên.
Nhóm III gồm các thuốc Opioid mạnh như morphin, điều trị các cơn đau nghiêm trọng, dữ dội hoặc cơ thể không có đáp ứng với các thuốc giảm đau nhóm I, II.
Với trường hợp bị đau bụng kinh chỉ cần thuốc nhóm I, sử dụng Paracetamol (liều tối đa 4g/ ngày) hoặc nhóm NSAID liều chỉ định tùy vào từng loại thuốc. Các bạn chỉ cần đọc hướng dẫn sử dụng trong trường hợp đau nhiều hơn, sự kết hợp thuốc nhóm I và II sẽ giảm đau ở hầu hết các trường hợp. Các thuốc ở hai nhóm này không gây nghiện, không nhờn thuốc.
Tuy nhiên, bác sĩ Việt Cường lưu ý nhóm này có thể gây dị ứng ở một số trường hợp. Nếu bạn nào có tiền sử dị ứng thì cẩn trọng khi dùng thuốc nhóm NSAID. Nếu dùng quá liều thuốc giảm đau có thể gây độc cho gan thận.
Chi tiền xông xênh cho con ăn học, bà mẹ tá hỏa khi thấy lịch sử tìm kiếm của con gái tuổi dậy thì
Lâu nay do bận rộn công việc nên chị Tú Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) không mấy để ý đến con. Chị nghĩ đơn giản rằng chỉ cần tạo ra cho con những điều kiện tốt nhất thì con sẽ phát triển tốt nhất.
K.Chi