Mẹ trẻ hoang mang không biết con gái tuổi teen là người yêu hay 'đầy tớ' của bạn trai?
Có con gái đang học lớp 9, trước đó vào giữa năm lớp 8 Yến Trang (con gái chị Hồng) đã bắt đầu “thân hơn bình thường” bạn trai cùng lớp. Vốn là người hiện đại nên chị Hồng cũng không cấm con yêu đương. Chị chỉ đặt ra cho con “giới hạn” không được phép vượt qua.
Thế nhưng người mẹ trẻ này lại phiền lòng khi phát hiện con gái luôn là người đưa đón bạn trai đi học mặc dù con phải đưa đón em đi học và nhà bạn cũng không phải nghèo đến nỗi không có xe để đi.
“Tôi nhiều lần khuyên con rằng nếu con giúp đỡ một người tàn tật hay khả năng của bạn không có xe mẹ sẽ rất hoan nghênh nhưng bạn có đôi chân lành lặn, cũng có khả năng mua xe, ít nhất là xe đạp..
Và điều quan trọng hơn bạn là bạn trai của con thì bạn phải có trách nhiệm với con dù chỉ một chút. Hơn nữa, là con trai thì không thể dựa dẫm vào bạn gái được.
Trong khi bạn ấy cũng biết con phải đưa em đến trường khá xa rồi lại vòng xe lại để đón bạn ấy. Ngày nào cũng như ngày nào trưa, chiều 4 lượt. Ngày nắng cũng như ngày mưa. Bạn ấy không áy náy với những gì con đang làm sao?
Dù nói thế nào thì con bé cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện rồi nó vẫn… tiếp tục đón đưa người yêu không một lời ca thán”, chị Hồng bức xúc kể.
Điều người mẹ này điên đầu nhất là con thường xuyên tới nhà bạn trong khi đó bạn nam ấy chưa một lần đến nhà khi vợ chồng chị Hồng ở nhà.
“Nhẹ nhàng không được, có lần tôi bực mình to tiếng với con. Tôi hỏi con sao con lại hạ thấp bản thân quá vậy? Con không có tự trọng à? Sao con phải lẵng nhẵng theo một đứa mà đến bản thân con - bạn gái, mẹ cũng không thấy mảy may nó có tý trách nhiệm gì?
Tôi như phát rồ khi mình càng nói nó càng không nghe, không một chút để tâm đến lời tôi và vẫn đưa đón bạn mỗi ngày như một con đầy tớ vậy”, chị Hồng thốt lên.
Người mẹ này băn khoăn “không biết có phải quá khó khăn” hay do “chưa biết dạy con” hay con chị là đứa “quá dễ dãi, luỵ tình”? Phải làm sao để giúp con ngừng lại việc này?
Giải đáp tình huống này với Infonet, Ths. BS Nguyễn Lan Hải chuyên gia giới tính, là tác giả của nhiều đầu sách viết cho tuổi teen về sức khoẻ sinh sản, tình yêu, tình dục... hài hước cho biết, “theo các cụ, những ca mê trai thế này thì “uýnh” chết cũng không chừa”. Nhất là khi con gái chị Hồng lại đang ở tuổi dậy thì, ương ương, khó bảo, luôn trong trạng thái sẵn sàng chống đối với mọi ý kiến phản đối của bố mẹ.
Tuy nhiên, nếu đặt chị vào tình huống người mẹ này, chị sẽ mời bạn trai của con đến nhà, nhẹ nhàng, tôn trọng cả hai. Công nhận tình bạn, tình yêu của hai đứa.
“Sau đó, mình sẽ giao xe cho đôi bạn cùng tiến. Bạn gái góp của, bạn trai góp công lo tiền xăng xe và đưa đón bạn gái. Mình sẽ lập biên bản, cam kết đàng hoàng”, Ths. BS Lan Hải kiến giải.
Bà cho rằng khi đưa ra hướng giải quyết như vậy, sẽ có 3 tình huống xảy ra: Thằng bé từ chối; nhận đưa đón nhưng được vài bữa thì trễ nải, muộn học; tình huống thứ ba hỏng xe, không có tiền đổ xăng và tình huống xấu nhất là mất xe.
Nếu bạn trai của con từ chối đảm nhận phần việc của mình, BS Lan Hải cho rằng sau buổi gặp gỡ mẹ có cơ sở để nói với con gái rằng: “bạn ấy đâu thực sự cần con/cần xe đến sống còn”. Trong trường hợp bạn trai trễ nải việc đón đưa bạn gái sẽ dẫn đến tình trạng muộn học, lúc này tự khắc con gái chị Hồng sẽ bực mình, bất mãn có thể xảy ra cãi nhau.
“Nếu xe bị hỏng, bạn trai con không có tiền đổ xăng chính chúng sẽ cảm thấy phiền phức, tự mâu thuẫn nội bộ mà tan rã. Tình huống xấu nhất là mất xe thì theo tôi vẫn còn hơn là mất con. Con gái chị Hồng lúc này sẽ nhận được bài học: Khi chưa tự lo được cho mình thì chẳng lo được cho… trai”, BS Lan Hải nhấn mạnh.
N. Huyền