Cổ vật Việt Nam đang có xu thế hồi hương!
TS Trần Đức Anh Sơn trả lời phỏng vấn báo điện tử Infonet tại triển lãm "Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng" - Ảnh: HC |
Đây là lần đầu tiên các nhà sưu tập ở Đà Nẵng cùng nhau trình làng những cổ vật mà mình sưu tầm được. Ông đánh giá điều đó như thế nào từ góc độ xã hội hoá các hoạt động bảo tồn, bảo tàng theo tinh thần của Luật Di sản văn hoá?
TS Trần Đức Anh Sơn: Tôi là người giám định toàn bộ hiện vật đưa vào trưng bày tại triển lãm này để xem cái nào của thời nào, nước nào, cái nào là đồ thật, cái nào đồ giả. Có gần 200 hiện vật được các nhà sưu tập gửi đến để tham gia trưng bày và hiến tặng. Qua giám định chúng tôi đã loại bớt một số, ví dụ những cái không phải là đồ thật thì không sử dụng.
Chiếm phần lớn trong 150 hiện vật được đưa ra trưng bày là đồ gốm và đồ sứ. Trong đó có các sưu tập như gốm sứ ký kiểu thời Nguyễn, gốm sứ Trung Quốc thế kỷ 18 - 19, gốm sứ Nhật Bản mà chủ yếu là dòng đồ sứ Satsuma và Imari thế kỷ 18 - 19. Ngoài ra là một số sưu tập đồ đồng thời nhà Nguyễn và đồ gỗ là các pho tượng Phật, trấn phong của thời Lê, thời Nguyễn. Còn lại là gốm Việt Nam như Chu Đậu, Chămpa và Quảng Đức.
Các hiện vật tại đây theo chúng tôi đánh giá tốt là gốm sứ Nhật Bản, đẹp và quý, có niên đại tương đối xa; một số hiện vật gốm Chu Đậu, nhất là những chiếc dĩa có kích thước lớn, có các đề tài trang trí như lân. Đây là một trong những đề tài hiếm thấy trên đồ gốm Chu Đậu vốn chủ yếu là vẽ rồng, cá, chim, hoa. Ngoài ra có một số tượng Phật có phong cách đẹp.
Nhìn chung, xét về quy mô một cuộc triển lãm có tính chất xã hội hoá thì đây là thành công. Vì ít nhất là nó quy tụ được các nhà sưu tập cổ vật trên địa bàn Đà Nẵng cùng tham gia. Điều này khiến mọi người có sự quan tâm tới cổ vật Việt Nam, quan tâm tới việc sưu tầm. Sưu tầm là để chơi, mà chơi là để giữ, còn nếu người ta không có nhu cầu chơi, không có nhu cầu giữ thì người ta sẽ bán hết. Vì thế nên có những cuộc triển lãm như thế này hàng năm, vào Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11) hoặc các dịp kỷ niệm lớn của đất nước.
Sự hình thành các hội cổ vật có ý nghĩa như thế nào trong việc giữ gìn cổ vật cho Việt Nam?
TS Trần Đức Anh Sơn: Việc tổ chức các hội để tập hợp các nhà sưu tập cổ vật tư nhân phát triển rất mạnh ở phía Bắc. Ở miền Trung và miền Nam chỉ có một số địa phương như Phú Yên, Bình Định, TP.HCM phát triển tương đối tốt. Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế tuy là đất có cổ vật ngày xưa rất nhiều nhưng hiện nay hoạt động của các tổ chức sưu tập cổ vật không mạnh bằng. Cái này cũng có nguyên nhân một phần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn qua nên những người sở hữu cổ vật ở khu vực bán đi khá nhiều.
Cổ vật có đường đi riêng của nó. Đầu tiên là bán ra khi nghèo để mưu sinh. Nhưng khi khá giả thì người ta mua lại. Tôi biết nhiều trường hợp trước đây những nhà sưu tập ở Đức, Pháp, Bỉ mua cổ vật của Việt Nam đem ra nước ngoài. Bây giờ họ lại đem về bán tại Việt Nam. Mới đây nhất, tôi có một người bạn từ nước ngoài về bán mấy cái liền cho anh Hoàng Thanh Trung thuộc Chi nhánh Hội Cổ vật Thiên Trường tại Hải Phòng.
Người dân và du khách đến với triển lãm "Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng" - Ảnh: HC |
Năm 2004, tôi có đưa một anh tên Thái qua Đức, và anh này đã mua lại những cổ vật ngày xưa anh bán cho người Đức để đem về Việt Nam. Đây là một trong những tín hiệu mà theo tôi là cho thấy bắt đầu có xu thế cổ vật hồi hương về lại Việt Nam. Hoạt động của các hội cổ vật và việc tham gia trưng bày của các nhà sưu tập tại những triển lãm như thế này sẽ kích thích tinh thần yêu quý, ham thích sưu tầm cổ vật và chính họ sẽ giữ lại cổ vật cho đất nước mình.
Nhiều người cho rằng phần lớn hiện vật trưng bày tại triển lãm "Sưu tập cổ vật của người Đà Nẵng" chưa thực sự quý hiếm. Theo ông, có phải ở miền Trung không có hoặc không còn các cổ vật thực sự có chất lượng?
TS Trần Đức Anh Sơn: Đúng là chất lượng của các cổ vật tại triển lãm lần này chưa cao lắm. Chẳng hạn đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn chỉ là đồ "bình thường", hầu như không có đồ đẹp. Đồ gốm Chu Đậu chỉ có hai cái dĩa cỡ lớn và hại chiếc lọ tỳ bà là đẹp, còn lại hầu như không đặc sắc cho lắm.
Có lẽ như tôi đã nói ở trên, những cái quý giá nhất thì trong giai đoạn khó khăn họ đã bán hết rồi. Nhưng cũng phải thấy do đây là lần đầu tiên các nhà sưu tập cổ vật tư nhân ở Đà Nẵng có cuộc ra mắt như thế này nên còn dè dặt, chưa muốn đưa các quý nhất của mình ra. Họ phải xem xét thái độ của chính quyền, phải coi hiện vật của họ có được bảo đảm an ninh hay không, và cũng "thăm dò" nhau nữa!
Xét về chất lượng, triển làm này để cho người xem bình thường thì được, còn đối với các nhà nghiên cứu thì chưa phải là những cổ vật thực sự quý hiếm. Nhưng sự khởi đầu như thế này là rất cần thiết để tạo nên phong trào. Phải có phong trào, có người chơi, có người tìm thì khi đó cổ vật mới quay về lại Việt Nam.
Tâm lý hiện nay thế này, những người có cổ vật thường không bán ở miền Trung mà đưa vào thị trường TP.HCM hoặc ra Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định. Vì họ nghĩ ở khu vực này không có đại gia sẵn sàng bỏ tiền ra để chơi, hoặc nếu có người mua thì cũng chỉ với giá thấp vì ít tiền và chưa có thói quen.
Muốn chơi cổ vật trước hết phải có tiền, nhưng quan trọng hơn là phải dám chơi, phải rèn luyện tay nghề lâu rồi mới đủ bản lĩnh, đủ kiến thức, đủ độ tin tưởng để bỏ tiền ra mua. Do vậy, khi hình thành được phong trào, có người mua, có người bán, có người trao đổi thì sẽ tạo ra một thị trường cổ vật. Mà chỗ nào có thị trường thì chỗ đó giữ được cổ vật!
Xin cám ơn ông!