Cố vấn Mỹ: Không chỉ Nga, cả Trung Quốc, Triều Tiên, Iran sẽ “tấn công” Mỹ
“Tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng chúng tôi đang quan ngại ở mức độ nhất định về khả năng Trung Quốc, Iran và Triều Tiên can thiệp bầu cử và chúng tôi phải có những bước cần thiết để ngăn chặn điều này xảy ra”, ông Bolton trả lời trên một chương trình truyền hình vào ngày 19/8.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. |
Ông Bolton đưa ra những phát ngôn này sau khi ông được hỏi về một đoạn tin nhắn trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông chỉ trích một số “kẻ ngốc” chỉ nhìn thấy hiểm họa từ Nga khi Bắc Kinh cũng có thể làm được điều này. Khi được hỏi về những hành động nhằm tác động các cuộc bầu cử mà Trung Quốc đã từng làm, ông không đưa ra câu trả lời nào cụ thể.
“Tôi sẽ không đi vào chi tiết về những gì mà tôi đã thấy hoặc chưa thấy, nhưng tôi muốn nói rằng trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2018 đang đến gần, đây là bốn quốc gia mà chúng tôi đang cảm thấy quan ngại nhất”, ông Bolton nói.
Trong lúc cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới đang đến gần, những quan ngại về một âm mưu can thiệp bầu cử đang ngày càng lớn. Trước đó vào đầu tháng này, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats cho hay mặc dù Nga chưa thực hiện bất kỳ “chiến dịch có quy mô” nào để phá hoại kết quả, song Nga “chỉ cần một lần bấm phím” là có thể can thiệp bầu cử.
Một số người thậm chí đã tin rằng Nga đã len lỏi vào hệ thống mạng của Mỹ. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Mỹ Bill Nelson khẳng định Nga đã xâm nhập vào hệ thống của một số hạt ở bang Florida, mặc dù các quan chức an ninh cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy đã có sự đột nhập từ bên ngoài.
Mặc dù Nga đang là tâm điểm chú ý của nhiều hãng thông tấn Mỹ, các quốc gia khác như Iran và Triều Tiên cũng bị nhiều lần cáo buộc đã tài trợ cho các hacker để thâm nhập vào hệ thống mạng của Mỹ. Trong khi Tehran được cho là đã đánh cắp nhiều bí mật quốc gia, Bình Nhưỡng đang có “đội quân hacker” để kiếm lời cho đất nước. Triều Tiên thậm chí còn bị quy trách nhiệm cho vụ tấn công bằng mã độc WannaCry, mặc dù chưa có bằng chứng xác thực nào được đưa ra.
Trong khi đó, Mỹ tiếp tục tin rằng Trung Quốc đang có những hành động xấu nhằm vào Mỹ, khi rất nhiều chính trị gia tin rằng Trung Quốc “có chiến lược lâu dài là thay thế Mỹ để trở thành quốc gia hùng mạnh và có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới” và muốn gây hại tới Washington chỉ vì hai bên có những quan điểm khác nhau.