Cố vấn của Donald Trump bị tố câu kết với Ukraine, gây sức ép lên Mỹ
Theo một điều tra của hãng thông tấn AP, hoạt động chuyển khoản này được thực hiện qua một tổ chức phi lợi nhuận ở nước ngoài, nhằm che giấu ý đồ gây ảnh hưởng đến chịnh trị Mỹ của đảng Ukraine. Theo luật pháp Mỹ, các công ty tham gia vận động hành lang phải đăng ký và báo cáo chi tiết tất cả các mối quan hệ giữa họ và những đảng chính trị hoặc các chính trị gia nước ngoài cho Bộ Tư pháp Mỹ.
Ông Paul Manafort, chủ tịch điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump. |
Vụ việc này xảy ra trong lúc ông Trump tuyên bố thay đổi nhân sự trong đội ngũ hỗ trợ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông. Tỉ phú người Mỹ đã tuyển bà Kellyanne Conway, một nhà khảo sát dư luận nhiều kinh nghiệm của đảng Cộng hòa, cùng ông Steve Bannon, người từng được coi là “cố vấn chính trị nguy hiểm nhất nước Mỹ” để đảm nhận các vai trò giám đốc điều hành. Dù vậy, ông Trump vẫn để ông Manafort giữ chức chủ tịch chiến dịch tranh cử của mình.
Vụ việc lần này xoay quanh một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Trung tâm Nghiên cứu Ukraine Hiện đại. Theo ghi nhận của Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine, thành viên hội đồng quản trị của trung tâm này có nhiều cựu nghị sĩ thuộc đảng của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Vào năm 2012, ông Manafort cùng đối tác kinh doanh của mình là ông Rick Gates đã hoạt động tại Ukraine trong vai trò là những đại diện cho đảng của ông Yanukovych. Hai người này đã giới thiệu tổ chức phi lợi nhuận trên cho hai công ty ở Mỹ và trả cho các công ty này 2,2 triệu USD để họ vận động hành lang theo mong muốn của đảng này.
Một trong hai công ty được trả tiền là Mercury đã vận động để phản đối Quốc hội Mỹ gây sức ép đối với chính quyền Ukraine khi đó để buộc đối thủ của ông Yanukovych được ra tù. Công ty còn lại là Podesta Group, do ông Tony Podesta, anh trai của John Podesta, người đang giữ chức chủ tịch điều hành chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, thành lập.
Cả hai công ty này cho biết họ đã tham khảo ý kiến của các hãng luật ở Mỹ, và Trung tâm Nghiên cứu Ukraine Hiện đại được coi là một “chủ thể nước ngoài” nêu ra trong Đạo luật Ngăn chặn Các tổ chức Ngoại Quốc (FARA). Tuy nhiên, các luật sư khẳng định rằng hai công ty không phải thông báo cho Bộ Tư pháp Mỹ bởi tổ chức này không có mối liên hệ với các đảng phái ở Ukraine.
Đạo luật FARA được thông qua vào năm 1938 để chống lại những gián điệp Phát xít Đức có mặt tại lãnh thổ nước Mỹ có nhiệm vụ tuyên truyền sai sự thật. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, luật pháp yêu cầu các cá nhân hoặc đoàn thể đại diện cho một chủ thể nước ngoài phải tiết lộ toàn bộ mối quan hệ cũng như ghi nhận tài chính giữa họ và các tổ chức trên.
Chủ thể nước ngoài ở đây bao gồm “các đảng phái chính trị nước ngoài, một cá nhân hoặc đoàn thể nước ngoài và bất cứ đơn vị nào hoạt động trong khuôn khổ luật pháp nước ngoài”.
Trước đó vào đầu tuần này, Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine đã thu được một cuốn sổ tài chính cho thấy một khoản tiền 12,7 triệu USD của đảng chính trị thân Nga của ông Yanukovych đã được chuyển cho ông Manafort. Sau khi thông tin trên được công bố, ông Manafort một mực phủ nhận và gọi những báo buộc trên là “vô căn cứ, lố bịch và vô lý”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang điện tử của tờ Telegraph (Anh), một nhật báo khổ rộng phát hành buổi sáng hàng ngày tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.