Có một người mẹ mang tên.... chị gái
Tôi mất mẹ từ nhỏ, được ăn học trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ chị gái tôi.
Nếu nói ngắn gọn về chị gái thì tôi chỉ có 2 chữ "tuyệt vời". Mất mẹ, tôi còn chị. Chị tôi không giàu về tiền bạc nhưng tình cảm, sự chăm sóc dạy dỗ chị dành cho tôi là vô bờ bến.
Chị dạy tôi như một người mẹ rất ân cần, sâu sắc. Tới nỗi mà cứ tới tiết sinh hoạt của lớp tôi là cô giáo chủ nhiệm lại hay nhắc tới chị để làm gương, bạn bè tôi ghen tị còn nói "đúng là chị gái nhà người ta".
Tôi được ăn học trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ chị gái tôi. Tôi còn nhớ, lúc ra trường chị chưa xin được việc nên đi làm thêm đủ thứ việc từ rửa chén, chạy bàn... để kiếm tiền cho tôi ăn học. Chị tôi bảo "chị có thể đói nhưng nhất định không để tôi đói, tôi thiếu thốn". Chị lo cho tôi mọi thứ từ sách vở, quần áo, tiền học... cho bằng bạn bằng bè.
Sắp tới ngày tôi nhập học đại học, tôi chỉ mong sao có thể nỗ lực hết sức để được như chị.
Có một người mẹ mang tên... chị gái (Ảnh minh họa) |
Tình thương của chị dành cho tôi rất lạ, dịu dàng và mạnh mẽ.
Hồi nhỏ tôi cũng đã từng bị chị cho tôi ăn đòn vì không nghe lời. Chị nghiêm khắc bắt tôi học thuộc đoạn văn trong sách mà tới tận bây giờ tôi vẫn đọc vanh vách, khó mà quên được. Lúc đó tôi bực bội với chị còn bây giờ trưởng thành hơn mới thấy hóa ra chị bắt mình học thuộc, ghi vào tiềm thức là cách uốn nắn mình từ nhỏ để sống tốt hơn, tử tế hơn.
"Con ơi, ở ngoài đường là nơi công chúng qua lại, con có bổn phận phải giữ gìn cử chỉ cho được đúng đắn. Con nên nhớ mỗi khi gặp những người già nua nghèo khổ, những người đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi gậy, con lại nhặt giúp.
Gặp trẻ con cãi nhau con đứng lại can ngăn. Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa. Khi có đám ma đi qua, đừng cười nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào người quá cố. Có ai hỏi thăm đường con phải trả lời cho có lễ phép. Đừng chạy nhảy nô đùa, phải giữ luật đi đường.
Con nên nhớ rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của dân chúng ngoài đường là người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của cả một dân tộc".
Từng câu, từng chữ của bài tập đọc ngày nào có ý nghĩa sâu sắc biết mấy. Tới giờ tôi vẫn thường trực làm theo những lẽ phải ấy.
Chị tôi là người tranh cãi nhiều nhất với tôi nhưng cũng là người luôn dỗ dành tôi mỗi khi tôi “mít ướt”. Chị thật lạ khi vừa mắng tôi nhưng lại có thể ôm lấy tôi vỗ về ngay lập tức.
Hai chị em cách nhau 10 tuổi nhưng lại sinh cùng ngày cùng tháng âm lịch. Sinh nhật chúng tôi chưa một lần có nến, có bánh kem mà chỉ là những quả khế, quả ổi hái ở vườn nhưng bên chị tôi thấy hạnh phúc lắm.
Chị gái tôi khéo léo. Chị kho cá ngon, thơm nức mũi, muối cà pháo, muối nhút rất giỏi. Thậm chí chị tôi gói bánh chưng chuyên nghiệp như thợ làm bánh, chẳng cần khuôn mà vẫn vuông vắn. Cứ tới Tết Nguyên Đán là hàng xóm lại qua nhờ chị tôi gói giúp nữa.
Lúc gói bánh, chị thường giảng giải với tôi: "Bánh Chưng được gói dạng vuông, tượng trung cho đất, mặt trời và đàn ông. Bánh Giầy dạng tròn tượng trưng cho biển cả, bầu trời, mặt trăng và phụ nữ. Bánh Chưng và Bánh Giầy là biểu tượng cho sự hài hòa của vũ trụ....". Chị thì cứ mải nói còn tôi thì chất chứa niềm vui trong đáy mắt.
Bây giờ chị đã có gia đình riêng nhưng vẫn uốn nắn tôi từng tí một, vẫn sốt sắng lo cho tôi mọi sự. Ở chị luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực, sống hết mình vì người khác, chẳng khi nào tôi thấy chị quan tâm lo lắng cho bản thân.
Có lẽ chị luôn sống mẫu mực để làm gương cho tôi noi theo. Chị luôn mong muốn tôi học được những điều tốt đẹp trong cuộc sống, sống một đời tử tế, an nhiên, học hành chăm chỉ để sau này có tương lai tươi sáng.
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, mong chị đọc được những dòng này của em. Mong chị luôn khỏe mạnh và hạnh phúc để thấy em nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống, không phụ lòng của chị.
Gửi tới chị những lời yêu thương, đứa em gái bướng bỉnh thầm cảm ơn chị nhiều lắm.
Bạn đọc Thư