Có một ngọn thác biết gây cười
Vừa đặt chân xuống nước, đoàn người bỗng nhiên cười phá lên. Tôi tò mò, nhảy xuống rồi bật cười rũ rượi bởi không chịu nổi cảm giác buồn buồn, nhột nhột...
Thiên đường là đây
Chúng lan nhanh, như một dòng điện từ chân lên đến đầu cho khiến tôi phải lao vội vào bờ để rồi một lúc sau lại phải nhao xuống nước vì… thèm muốn cái cảm giác mới lạ chưa bao giờ gặp trong đời ấy.
Cũng tương tự như tôi, đoàn khách mấy chục thành viên của chị Nguyễn Thị Kim Dung đến từ câu lạc bộ Fami Yoga ở thị xã Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) liên tục khúc khích cười khi chạm người vào mặt nước.
Cứ như vậy, tiếng cười lan khắp dòng thác có 5 tầng chảy dài 3km giữa đại ngàn đẹp như một nàng tiên đang xõa tóc ngang lưng chừng trời mây…
Kết thúc chuyến tuần rừng trên thuyền giữa mênh mông sóng nước lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang rộng 8.000ha thuộc hai huyện Na Hang, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) tôi cùng anh Nguyễn Lê Đoàn -Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Lâm cập vào bến để lên thác Khuổi Nhi.
Tạm bợ, chỉ là những bậc thang bằng đất được đẽo sơ vào núi nhưng đoàn người già trẻ, lớn bé từ các thuyền du lịch vẫn túa ra, cười nói rổn rảng, háo hức băng rừng, vượt dốc.
Rừng tầng tầng, lớp lớp; thấp có sim, mua; giữa có dây leo, tầm gửi; cao có các cụ nghiến, cụ lim cùng muôn vàn loài kỳ hoa, dị thảo. Ánh nắng hè gắt như hồ quang được thanh lọc qua tán lá bỗng bừng lên, xanh trong như ngọc, mát như thạch. Vẳng trong không gian tiếng chim gù ngọt như mùa tình tự.
Khi tai bắt đầu nghe thấy tiếng róc rách khe khẽ là đã chuẩn bị bắt đầu chạm vào chân thác, nước trong vắt thấu cả sỏi dưới đáy, chia thành nhiều ngả chảy ngoằn nghèo như những dòng suối nhỏ rồi đổ ra hồ thủy điện.
Không có bậc, có đường mà chỉ là những vết lõm được tạc qua vào đá rộng vừa đủ bàn chân người đặt lên. Đá ở đây cũng rất đặc biệt, xôm xốp, thô ráp như mới trào lên từ dưới lòng một miệng ngọn núi lửa nào đó, vẫn còn ngun ngún khói.
Những tảng đá to như cái phản, gian nhà, xếp rải rác, tẽ đều dòng nước ra như những đóa hoa rừng trắng tinh khôi, bung nở hết mình.
Bắt đầu từ tầng thác thứ ba, xuất hiện một hồ nước khá lớn phía dưới, có đông người tắm, chật tiếng cười vang khắp cả một vạt rừng vì sự góp mặt của lũ cá rỉa chân (cá massage).
Từ trên cao, thác đổ xuống trắng xóa, đối lập với những đám rêu ven bờ xanh non tơ, ánh lên trong nắng, mơ màng. Đến đây, nhiều du khách chắc cũng như tôi, tưởng đã lên đỉnh rồi vì nhìn quanh, nhìn quẩn chẳng thấy những vết lõm tạc vào đá dẫn lối đi đâu nữa.
Chụp một loạt ảnh, quay vài đoạn clip, tôi toan trở gót thoái lui thì một anh hướng dẫn viên bỗng nhiên ra hiệu, “thiên đường” đang ở phía trước, chưa chạm tới. Thì ra một khúc ngoặt bí mật đã đánh lừa tôi. Lại tiếp tục luồn rừng, vượt dốc.
Trời đang chính ngọ mà mát như có điều hòa. Vẫn là đá, là nước đó thôi nhưng mỗi đoạn thác lại phối trộn khác nhau khiến cho lữ khách đường xa được dịp mở to mắt ra mà ngắm. Không ít người vì đường dài, vì núi cao nên đã bỏ cuộc nửa chừng nhưng tôi vẫn lầm lũi bước.
Cuối cùng thì đỉnh thác cũng chịu hiện ra. Giữa rừng xanh, núi thẳm một con thác khổng lồ tuôn trào sáng lấp lóa như khuất cả ánh nắng mặt trời, bọt nước tung bay như mây trôi, khói tỏa.
Ngọn thác là phần thưởng xứng đáng cho những đôi chân chinh phục không biết mỏi. Đây cũng là địa điểm mà trong câu chuyện cổ của người Tày đã diễn ra một thiên tình sử của một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị lạc nhau giữa rừng.
Nỗi nhớ cứ như cái dằm đâm vào tim, cô gái cứ mải miết đi tìm người thương. Ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác rồi cô không bao giờ trở lại với bản làng mình nữa. Cô ngã xuống, mái tóc biến thành dòng thác giữa đại ngàn, quanh năm không bao giờ hết nước như nỗi nhớ người thương không bao giờ vơi.
Mọi mệt mỏi bỏ lại hết trên bờ
Đỉnh thác khá vắng vẻ. Nước lạnh buốt như kem khiến cho tôi rùng mình khi khẽ đụng chạm nhưng rồi mạnh dạn lặn ngụp một hơi dưới đáy hồ. Một cảm giác khoan khoái lan tỏa khắp làn da, thớ thịt khiến cho mọi mỏi mệt như bỏ lại hết ở trên bờ.
Ngừng khỏa nước rồi chờ trong giây lát, tôi bắt đầu cảm nhận có sự động chạm nhè nhẹ dưới chân rồi mỗi lúc một bạo hơn. Những con cá nhỏ chỉ chừng ngón tay, đầu nhọn hoắt, thân thon dài bắt đầu ghé mồm áp sát vào làn da.
Những cái miệng bé xíu, há ra, ram ráp hệt như mèo liếm khiến cho tôi vừa buồn buồn, vừa tê tê, vừa đê mê đến nỗi phải cười phá lên một cách đầy bản năng.
Cũng nhờ cái mồm cấu tạo đặc biệt này chúng có thể bám chắc vào vách đá để chống chịu sức cuốn đi của dòng thác, gặm rong rêu mà ăn, hệt như cá anh vũ vậy. Trông nhỏ bé, bạo dạn như vậy nhưng cá rỉa chân khá nhát, hễ cử động cái là bỏ chạy rất nhanh nên thử bắt chúng bằng tay không gần như là điều không thể.
Tôi lim dim ngâm mình trong làn nước mát để lũ cá rỉa hết những tế bào da chết đến quên cả cái đói, lúc choàng tỉnh ra, nhìn lại đồng hồ thì đã 2 giờ chiều. Vội vàng trở lại thuyền, tôi định bụng sẽ sắm bộ mặt hối lỗi với anh Đoàn nhưng vẻ hớn hở vẫn lộ hết ra ngoài.
Thấy vậy, anh quên cả chuyện đang bực mình vì phải tất tả đi tìm và chợt nhoẻn miệng cười, hỏi rằng: “Anh biết ở đâu có loại cá rỉa chân tự nhiên như thế này không?”.
Tôi lục trí nhớ suốt 18 năm làm nghề, lăn lộn đủ những rừng xa, núi thẳm nhưng tuyệt nhiên không thấy ở đâu có loại cá ấy cả.
Anh Đoàn kể: “Cùng trong một dãy núi ấy thôi có nhiều con thác như Khuổi Súng còn to hơn, đẹp hơn cả Khuổi Nhi nhưng gần như không có mấy cá rỉa chân chứ nói gì ở nơi khác. Ngay cả trong thác này cũng chỉ tồn tại mỗi một loài cá kỳ lạ ấy vì không có loài nào chịu được nước lạnh giỏi như chúng.
Thác có 5 tầng nhưng tầng thấp nhất gần như không thấy cá rỉa chân, chúng chỉ xuất hiện nhiều từ tầng 3 trở lên. Lạ nữa, tuy thác chảy ra lòng hồ thủy điện nhưng không bao giờ thấy một con cá rỉa chân nào xuất hiện ở hồ cả.
Loài cá này sống rất sạch, nếu có dịp cầm lên anh sẽ thấy bụng chúng trong veo, có thể thấy cả một ít rong rêu bên trong.
Cách đây cỡ mươi năm, bà con vẫn thường vào thác Khuổi Nhi để xúc, vợt loại cá này… về chế biến món ăn nhưng từ khi thành lập huyện mới Lâm Bình, công an, kiểm lâm rồi Ban quản lý rừng phòng hộ đã ra sức tuyên truyền, bảo vệ giúp chúng sinh sôi, nảy nở dần ra mỗi lúc một nhiều. Chúng là dấu ấn, điểm nhấn không thể thiếu đối với du lịch vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang”.
Cũng theo anh Đoàn chỉ hai mươi năm trước thôi, quanh đây không có rừng mà chỉ là những quả đồi, núi trọc, nơi người dân vẫn trồng sắn, trồng ngô. Con thác lúc đó cũng có, vẫn bắt nguồn từ dãy núi Sinh Long của huyện Na Hang đổ về nhưng bé lắm vì không có cây to để giữ lại nước, vì người dân chia dăm, xẻ bảy nguồn nước để dẫn vào tưới cho đồng ruộng.
Kể từ khi di dân thủy điện Tuyên Quang năm 2002, toàn bộ nương rẫy ấy được chuyển đổi sang rừng phòng hộ thì con thác mới to dần lên, đẹp dần lên thành một nàng tiên.
Chuyện giữ rừng ấy còn gắn với một vụ án về cây nghiến khổng lồ ngàn năm tuổi với 142,5m3 gỗ bị đốn gục, những lâm tặc phải vào tù nhưng chính quyền huyện, xã Tết ấy và mấy năm sau đều không quên…tặng quà cho gia đình họ.
Những mùa vụ nếu gia đình lâm tặc bị thiếu lao động lại cử người đến giúp đỡ. Đó là một kế sách vững bền bởi dân có yên thì rừng mới thôi “nổi sóng”.
Thác Khuổi Nhi thuộc địa bàn xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; bao quanh là lòng hồ thủy điện nên phải đi thuyền để đến. Thời điểm tham quan đẹp nhất là vào đầu mùa hè, giữa thời tiết nóng bức không gì thú vị được dầm mình vào làn nước trong xanh, mát lạnh để cho lũ cá rỉa chân mặc sức gây cười.
Theo nongnghiep.vn