Cô giáo chụp ảnh học sinh mắc lỗi gửi nhóm phụ huynh đã vi phạm điều gì?
Dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc cô giáo chụp ảnh nhóm học sinh đi học sớm gây mất trật tự rồi gửi vào group phụ huynh kèm lời phê bình.
Nhiều người cho rằng, việc giáo viên chụp ảnh học sinh mắc lỗi ở trường nói chung, sau đó gửi vào group phụ huynh của cả lớp là việc làm trái với quy định trong điều lệ trường tiểu học về việc tôn trọng, đối xử bình đẳng cũng như quyền riêng tư của học sinh.
Cô giáo chụp ảnh HS mắc lỗi rồi gửi nhóm phụ huynh. |
Cô Lê Thị Loan (Học viện Quản lý Giáo dục) nêu quan điểm: “Ai cho phép cô giáo được chụp ảnh học sinh vi phạm quy định lớp học rồi đăng trong nhóm phụ huynh lớp? Tôi phản đối việc làm thiếu nhân văn này. Ít nhiều học sinh cũng tổn thương nếu các em biết hình ảnh của mình đang bị bêu riếu trước các bạn, trước phụ huynh khác.
Có ai dám chắc rằng học sinh đó sẽ không sợ hãi, tự ti sau những việc làm đó của giáo viên. Tôi nhắc lại, giáo viên phải là người hành động chuẩn mực nếu không sẽ vô tình làm tổn thương con trẻ.
Có nhiều cách để khắc phục việc học sinh mắc lỗi, giáo viên có thể trao đổi kín đáo với phụ huynh về việc con làm sai ở lớp chứ tuyệt đối không được phép mang hình ảnh con ở lớp ra đăng linh tinh trên hội, nhóm”.
Cô giáo Lê Thị Thu Lý – Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) cho hay: “Hiện nay trong điều lệ trường tiểu học không quy định cụ thể là giáo viên không được chụp ảnh học sinh mà theo các quy định chung không được để lộ thông tin của học sinh trên mọi phương tiện.
Việc cô giáo chụp ảnh học sinh và đăng lên group phê bình học sinh là ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh cũng như chính phụ huynh".
Luật pháp bảo vệ quyền trẻ em
Ảnh minh họa |
Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp: Với thời đại công nghệ số hiện nay thì thông tin, hình ảnh cá nhân là vấn đề cần được quan tâm, bảo đảm và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là đối với hình ảnh, thông tin của trẻ em.
Hiện nay Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, Luật an ninh mạng năm 2018, Luật trẻ em năm 2016 và tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đều quy định rất rõ ràng về bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân, đặc biệt là đối tượng là trẻ em.
Mọi hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin cá nhân đều là những hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, việc sử dụng thông tin, hình ảnh của học sinh phải theo quy định của luật trẻ em, luật giáo dục, luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật khác, đồng thời phải có sự thống nhất giữa gia đình học sinh và nhà trường.
Về góc độ khoa học, giáo dục thì việc đưa tin về những hình ảnh học sinh trong nhóm kín về những hoạt động tích cực, những tấm gương điển hình để động viên, khích lệ tinh thần của học sinh và phụ huynh là cần thiết. Tuy nhiên với những thông tin, hình ảnh về vi phạm, sai phạm của các học sinh mà lại đưa lên hội nhóm để bình luận, thông tin thì sẽ gây tổn thương không chỉ đối với học sinh mà còn đối với các bậc phụ huynh.
Hiện nay ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới nhà trường còn không công khai điểm số đối với học sinh. Mỗi học sinh sẽ tự biết điểm riêng của mình, điểm số còn là bí mật. Đó là tôn trọng quyền riêng tư, không làm tổn thương đến các em bởi mỗi em là một vũ trụ, có những sở trường phải sở đoàn khác nhau, không nên so sánh học sinh này với học sinh khác, đứa trẻ này với đứa trẻ khác ở góc độ giáo dục.
Việc kỷ luật học sinh ở Việt Nam hiện nay vẫn theo quy định tại Thông tư số 08/TT ngày 21/3/1988 của Bộ giáo dục và đào tạo. Đây là văn bản rất lạc hậu nhưng không hiểu tại sao từ đó đến nay, hơn 30 năm rồi vẫn không thay đổi. Những hình thức kỷ luật cũ không còn phù hợp, không đủ sức để giáo dục học sinh, hình thức kỷ luật cũng không khoa học. Trong khi đó việc hiểu biết pháp luật của các thầy cô không phải ai cũng tốt, cũng hiểu sâu sắc về các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là về quyền trẻ em.
Bởi vậy nếu không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thì khó khăn cho việc giáo dục mà tùy tiện áp dụng các hình thức kỷ luật thì dễ xâm hại đến quyền riêng tư của học sinh, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của học sinh...
Việc quy định lạc hậu về các hình thức kỷ luật, không cập nhật những hành vi vi phạm mới, không đưa ra những quy định cấm trong kỷ luật học sinh dẫn đến việc nhiều giáo viên, nhiều nhà trường tự đề ra các hình thức kỷ luật riêng, tuỳ tiện, không ít trường hợp đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh, gây chấn động, tổn thương tâm lý nặng nề đến học sinh, không ít thầy cô giáo đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị buộc thôi việc bởi những hành vi tự ý thực hiện các hình thức kỷ luật ngoài luật. Bởi vậy vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định về các hình thức kỷ luật, thông tin, truyền thông trong lĩnh vực giáo dục là hết sức cần thiết.
Trong khi các quy định về quản lý học sinh, về thông tin, truyền thông, về việc sử dụng hình ảnh, thông tin nhân thân cá nhân của học sinh chưa có quy định riêng thì phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật an ninh mạng, Luật trẻ em. Hình thức kỷ luật học sinh vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Việc sử dụng thông tin phải hình ảnh của học sinh phải căn cứ vào quy định của pháp luật và trên cơ sở nội quy quy chế của nhà trường, có sự trao đổi bàn bạc thống nhất với các bậc phụ huynh. Cần phải loại bỏ ngay các hình thức kỷ luật bằng cách bêu tên học sinh trước toàn trường hoặc đăng tải thông tin hình ảnh học sinh vi phạm vào các hội, nhóm hoặc đăng công khai lên mạng xã hội. Đó là những hành động phản giáo dục và vi phạm pháp luật.
Những người vi phạm, gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe của học sinh và phụ huynh thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc hậu quả xảy ra mà các giáo viên, phụ huynh, cán bộ giáo dục hoặc bất kỳ ai có hành vi sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của học sinh gây tổn thương đến các em và gia đình sẽ phải bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các cơ sở giáo dục cũng cần phải ra soát các quy định nội bộ, các nội qui, quy chế của mình để đảm bảo tuân thủ các quy định về quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh và đảm bảo hoạt động giáo dục một cách lành mạnh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền trẻ em.
Trong xã hội văn minh thì danh dự, nhân phẩm của công dân ngày càng được tôn trọng. Khi trẻ em được tôn trọng và biết tôn trọng bản thân mình thì mới có thể tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người khác.
Thực tiễn trong quá trình nghiên cứu về tội phạm học, các giải pháp phòng ngừa tội phạm đã chỉ ra: các tội phạm xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác phần lớn có nguồn gốc xuất phát từ ý thức thiếu tôn trọng bản thân mình và thiếu tôn trọng người khác.
Khi giáo dục thay đổi, khi xã hội văn minh, khi người ta biết tôn trọng bản thân mình phải, biết tôn trọng người khác thì xã hội sẽ ổn định hơn, trật tự hơn và ít hành vi vi phạm pháp luật hơn, đồng thời cũng sẽ ít tội phạm hơn.
1. Được học ở một trường, lớp hoặc cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học tại nơi cư trú; được chọn trường ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
2. Được học vượt lớp, học lưu ban; được xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học theo quy định.
3. Được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện.
4. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu; được chăm sóc và giáo dục hoà nhập (đối với học sinh khuyết tật) theo quy định.
5. Được nhận học bổng và được hưởng chính sách xã hội theo quy định.
6. Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Hoàng Thanh