Cô gái ở TP.HCM ngẫu hứng nhảy khi hỗ trợ tiêm vaccine
Gần một tháng qua, Thiên Trang tham gia hỗ trợ tiêm vaccine và phun khử khuẩn trong thành phố. Dù công việc vất vả và có nguy cơ cao trở thành F0, cô chưa nghỉ ngày nào.
19h, Nguyễn Hoàng Thiên Trang (sinh năm 1998, TP.HCM) mới có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày đi hỗ trợ ở điểm tiêm vaccine trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú. Công việc này đã trở nên quen thuộc với cô trong gần một tháng qua.
Chia sẻ với Zing, Trang cho biết trước đợt phong tỏa, cô là nhân viên quán bar ở quận 1. Do ảnh hưởng của dịch, cô gái 23 tuổi lâm vào cảnh thất nghiệp.
Thất nghiệp vì dịch, Thiên Trang xin đi làm tình nguyện viên gần một tháng nay. |
Đầu tháng 6, hẻm nhà Trang ở bị phong tỏa 16 ngày do hàng xóm là F0. Trong thời gian ở nhà, cô thấy hình ảnh các tình nguyện viên đi hỗ trợ chống dịch vất vả nên cũng muốn góp sức cho cộng đồng.
Được sự ủng hộ của gia đình, Trang đi làm tình nguyện từ hôm 26/7 và chưa nghỉ ngày nào.
Nhiều khi bị mắng không ăn nổi cơm
Ban đầu, Trang đăng ký trực chốt phong tỏa. Sau một ngày, cô chuyển sang hỗ trợ điểm tiêm vaccine với nhiệm vụ điều phối.
6h30 sáng mỗi ngày, Trang phải di chuyển từ nhà ở quận Gò Vấp lên quận Tân Phú để không bị trễ giờ. Sau khi mặc đồ bảo hộ, rửa tay khử khuẩn, cô ra tiếp dân đến 11h30 mới được nghỉ ăn trưa.
Tới 13h-13h30, ca làm việc lại bắt đầu. Vì điểm tiêm khá đông, nhiều khi đồ ăn về không kịp, cô và đồng đội để bụng đói ra tiếp tục làm nhiệm vụ.
Khoảng ngày thứ 10 đi làm, Trang thấy chân như mất cảm giác vì quá mệt. Chiếc khẩu trang N96 7 lớp mà cô đeo ướt nhẹp, toàn thân rã rời vì tình nguyện viên chỉ khoảng 20 người mà phải điều phối tiêm cho vài trăm dân.
Thiên Trang làm nhiệm vụ điều phối ở điểm tiêm vaccine. |
Theo Trang, vì luôn mặc đồ kín, nhóm cô phải nói to, cầm loa phát liên tục để hướng dẫn mọi người điền phiếu tiêm. Nhiều khi họ thấy mệt vì một số nôn nao, cằn nhằn phải chờ lâu.
“Có hôm bị mắng nhiều quá, tụi mình áp lực đến nỗi không ăn nổi cơm. Sau đó, tụi mình chỉ biết cố gắng trấn an mọi người, đồng thời dán tờ giấy ghi thông điệp ‘Tụi con đeo khẩu trang nên nói to giọng, chứ không phải la. Cô, chú, anh, chị xin đừng giận mà tội nghiệp tụi con nghen’ để họ hiểu và thông cảm hơn”, cô kể.
Tuy vất vả, Trang cảm thấy vui vì quen được nhiều bạn mới và ghi lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Một lần, cô gái 23 tuổi qua hỗ trợ ở điểm tiêm trường Tiểu học Nguyễn Du, quận 12. Do đam mê múa ballet từ nhỏ mà không có điều kiện theo đuổi, cô từng tự tìm tòi tập ép dẻo ở nhà.
Trong giờ nghỉ giải lao, Trang ngẫu hứng thực hiện động tác nhảy múa đẹp mắt và được bạn chụp lại. Khoảnh khắc này nhận được sự yêu thích khi cô đăng tải trong nhóm tình nguyện viên.
Phút giải lao của Thiên Trang sau nhiều giờ hỗ trợ tiêm vaccine. |
Trang tiết lộ thêm do đam mê văn hóa Nhật Bản, cô chơi cosplay từ năm 2016 đến 2018. Cô cũng tham gia đội nhảy yosakoi (phong cách nhảy bắt nguồn từ xứ sở hoa anh đào, được trình diễn ở các lễ hội và sự kiện) có tên Minami no Hana.
Dùng sức trẻ làm điều có ích
Ngoài công việc hỗ trợ tiêm vaccine, Trang đăng ký tham gia đội khử khuẩn thành phố. Ban đầu, cô làm mảng truyền thông, chuyên đi theo mọi người để chụp hình. Về sau, cô trực tiếp đeo máy đi phun.
Công việc này nguy hiểm hơn vì phải đi vào khu có ca mắc Covid-19, thậm chí là nhà có F0 đang tự cách ly để xịt khử khuẩn.
“Những hôm ngồi sau xe bán tải đi từ quận này sang quận khác, mình thấy buồn khi chứng kiến nhiều chiếc xe chở hòm, bình oxy chạy ngang qua. Có những người còn tới hỏi nhà có người chết thì phải liên hệ làm sao để được đem đi thiêu, nghe mà quặn thắt lòng”, cô xúc động kể.
Cao 1,58 m, nặng 48 kg, Trang thường xuyên vác thùng dung dịch nặng bằng 2/3 trọng lượng của mình. Sau nhiều ngày dãi nắng, dầm mưa, da cô cũng sạm đi nhiều. Có hôm vì quá mệt, cô tranh thủ chợp mắt 5-7 phút ngay trên xe đang di chuyển.
Thiên Trang có nhiều kỷ niệm buồn, vui khi tham gia đội khử khuẩn thành phố. |
“Lần đi phun khử khuẩn ở chốt công an bên quận Bình Thạnh, khi lên cầu thang, mình bị trẹo người, té xuống vì thùng dung dịch quá nặng, đứt một bên quai. Mình không để ý tay, chân có bị gì không, chỉ lo thùng máy bể. Lúc sau đi xuống cầu thang thì đứt luôn quai còn lại. Có hôm thì trời mưa tầm tã, tắm nguyên chặng đường rồi quay về điểm tập trung chứ không xịt được”, Trang kể về những “tai nạn” khi đi làm.
Dù khó khăn và vất vả, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội của Trang luôn vẫy tay tạm biệt, chúc sức khỏe người dân. Điều ấm áp cả nhóm nhận lại những cái cúi đầu cảm ơn, lốc nước ngọt, nước suối từ mọi người.
“Nhiều khi mình cũng sợ trở thành F0, nhưng vì muốn sử dụng sức trẻ làm điều có ích nên mình chưa hề nghĩ sẽ dừng lại. Mình tự nhủ cố gắng hơn với hy vọng một ngày không xa lại được ngồi cà phê với bạn bè, cùng nhau kể lại những việc đã làm cho cộng đồng trong thời gian dịch Covid-19. Chỉ nghĩ vậy thôi cũng đủ động lực cho mình đi tình nguyện mỗi ngày”, cô nói.
Cô gái 9X tài xế nhóm "mai táng 0 đồng" ở TP.HCM: Chúng tôi không cần tiền, chỉ cần người phụ giúp
Chỉ cần ở mỗi nơi có sẵn đội tình nguyện gồm các thanh niên khỏe mạnh hỗ trợ khiêng bệnh nhân tử vong ra những chuyến xe "mai táng 0 đồng" thì nhóm sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều, Hà Nhi -cô gái lái xe 0 đồng chia sẻ
Theo zingnews.vn