Cô gái khiếm thính mở tiệm giặt là doanh thu tiền triệu mỗi ngày giúp người cùng hoàn cảnh
Cửa hàng giặt là đặc biệt bởi nhân viên phục vụ đều là người khiếm thính, lợi nhuận sẽ được sử dụng cho lớp học kỹ năng sống cho những người cùng hoàn cảnh.
Cửa hàng giặt là của người điếc nằm ở số 7 đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không chỉ là cơ sở kinh doanh giặt là mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho người khiếm thính, nơi họ được học tập, rèn luyện giúp tự tin hơn. Nhân viên của cửa hàng là 3 cô gái xinh đẹp. Họ đều là những khiếm thính, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau.
Cửa hàng giặt là của người điếc nổi bật với gam màu xanh. |
Cửa hàng có tất cả 3 nhân viên đều là những người khiếm thính. |
Chia sẻ với PV Infonet, chị Lương Kiều Thuý (sinh năm 1991), người sáng lập “tiệm giặt là người điếc”, đồng thời cũng là một người khiếm thính giàu nghị lực cho biết, cửa tiệm ra đời vào tháng 12/2020, dù mới chỉ hoạt động được vài tháng nhưng lượng khách ngày càng đông, doanh thu hiện tại hơn 1 triệu đồng/ngày, có những ngày doanh thu trên 2 triệu đồng.
Chị Lương Kiều Thuý, người sáng lập và quản lý cửa hàng giặt là người điếc ở Hà Nội. |
Để quá trình vận hành trơn tru, chị Thuý đưa ra quy trình chuẩn, viết ra giấy các câu mẫu để hỗ trợ người khiếm thính trong giao tiếp.
Nói về sự ra đời của cửa hàng giặt là, chị Thuý chia sẻ, năm 2019, chị cùng nhóm thực hiện dự án nghiên cứu thực trạng việc làm cho người điếc. Có nhiều công việc mà người điếc đang làm như may, cắt tóc, phục vụ quán ăn,... nhưng chị nhận thấy người điếc hoặc khiếm thính gặp nhiều khó khăn với các công việc này.
Chị Thuý đưa ra quy trình chuẩn, viết các câu mẫu để hỗ trợ nhân viên cửa tiệm trong giao tiếp. |
Sau khi kết thúc các dự án, tình cờ chị Thuý được biết đến công việc giặt là qua kết nối của một người bạn khuyết tật. Trải nghiệm công việc giặt là qua 2 cơ sở giặt là bình dân và giặt là cao cấp, chị đã hạ quyết tâm phải xây dựng một mô hình thông minh để tạo cơ hội việc làm cho người khiếm thính và sử dụng lợi nhuận để phát triển cộng đồng bền vững.
Đầu năm 2020, ý tưởng mang tên “Giặt là Sáng” của chị Thuý đã dành được giải “Cánh én vàng” trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp”. Tháng 10/2020, sáng kiến này tiếp tục đạt giải Best Performance trong chương trình Youth co:lab do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức. Tuy nhiên, khi bước vào gọi vốn thì chị lại gặp rất nhiều khó khăn.
Khách hàng và nhân viên cửa tiệm sử dụng phấn, bảng để giao tiếp với nhau. |
“Tôi dẫn theo 2 bạn cùng hoàn cảnh đi học nghề, gặp nhà đầu tư, tai thì nghe bập bõm…. Không ít lần mâu thuẫn với nhà đầu tư nhưng tôi chỉ có một niềm tin là nhất định ý tưởng này phải được làm, dù có theo cách nào đi nữa. Cuối cùng, cơ duyên kết nối với chủ thương hiệu nhượng quyền “Giặt ký” nên tôi đã quyết định kết hợp liên danh. Đến tháng 12/2020 thì cửa hàng giặt là của người điếc ra đời”, chị Thuý kể.
Nơi lưu lại những cảm nhận, suy nghĩ của khách hàng. |
Theo chị Lương Kiều Thuý, đây là một mô hình phù hợp cho người điếc hoặc khiếm thính. Người điếc có thể làm chậm nhưng lợi thế ở khả năng quan sát tốt, tập trung cao độ vào công việc. Chỉ cần rèn luyện tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì thì họ sẽ là một thợ giặt là lành nghề, thậm chí làm tốt hơn nhiều người bình thường.
Theo chị Thuý, đây là một mô hình phù hợp cho người điếc hoặc khiếm thính. |
Từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt đến hơn 10 lần, nhiều khách hàng dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về...
“Chỉ những cử chỉ nhỏ bé thế thôi nhưng chúng tôi cảm thấy rất xúc động và tin tưởng vào những gì mình đang làm”, chị Thuý bày tỏ.
Doanh thu của cửa tiệm giặt là người điếcc mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. |
“Tôi luôn nhấn mạnh với các bạn nhân viên rằng, dù mình có là người yếu thế thì khách hàng quay lại hay không vẫn là ở chất lượng dịch vụ”, bà chủ tiệm giặt là đặc biệt này cho hay.
Cũng theo chị Thuý, hiện nay có rất nhiều mô hình giặt là từ bình dân đến cao cấp, do vậy để giữ chân khách hàng, cạnh tranh sòng phẳng thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng.
Chất lượng dịch vụ là yếu tố quan trọng luôn được chị Thuý nhắc nhở nhân viên. |
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị cho biết sẽ cố gắng phục vụ khách hàng tốt hơn nữa và mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người khiếm thính. Chị tin rằng, có nghề thì người điếc sẽ được tôn trọng, bình đẳng. Khi có nghề, có kinh nghiệm, người điếc có thể tự làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mình với nhu cầu xã hội.
Những phút giây rảnh rỗi, thư giãn của các cô gái trong tiệm giặt là của người khiếm thính. |
"Từ khi bắt đầu học ngôn ngữ ký hiệu và bước ra ngoài một thế giới đầy màu sắc, tôi đã quyết tâm rằng mình nên làm một điều gì đó có ý nghĩa để cảm ơn người điếc, họ là người đã kéo tôi ra khỏi sự cô đơn, mặc cảm của người khiếm thính. Trong suốt 3 năm hoạt động tích cực vì cộng đồng làm các dự án xã hội, tham gia nhiều mạng lưới và khoá học, tất cả theo một mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa người điếc và người nghe. Tôi mong chờ một tương lai về vị thế của người khiếm thính trong xã hội được tôn trọng, được nhìn nhận và cảm thông. Mục tiêu trong tương lai là đào tạo nghề cho nhiều bạn khiếm thính khác và gặp được nhiều nhà đầu tư xây dựng những mô hình “Tiệm giặt là người điếc” tương tự, để cộng đồng tự hào, xã hội cũng nhận được những giá trị cống hiến qua công việc của chúng tôi”, chị Thuý bộc bạch.
Diệu Thuỳ
Đầu bếp trẻ sẵn sàng 'bán mình' để đổi thực phẩm làm từ thiện
Nổi tiếng với nhiều công thức làm bánh độc đáo, chef Khu cho biết anh sẵn sàng tham gia dạy ở các lớp học làm bánh, đổi tên tuổi để “xin” các mạnh thường quân tài trợ tiên cho những hoạt động thiện nguyện.