Cô dâu 12 tuổi quyết lấy chồng bất chấp dư luận
Chú rể 19 tuổi Mohammad Fahmi Alias ngồi cạnh cô dâu 12 của mình Nor Fazira Saad. |
Bất chấp sự phản đối của gia đình và dư luận, chú rể Mohammad Fahmi Alias, 19 tuổi và cô dâu 12 tuổi Nor Fazira Saad tỏ ra không chút bận tâm. “Tôi tin rằng, bằng việc kết hôn, hành động quan trọng mà đơn giản nhất, chúng tôi đã chứng minh được cho những người khác thấy tình yêu chân thành của chúng tôi”, chú rể 19 tuổi Fahmi cho biết. Chú rể trẻ hiện đang điều hành một công ty vận tải của cha cậu.
“Việc kết hôn sớm cũng giúp chúng tôi tránh phạm vào bất cứ tội lỗi nào đó. Vợ tôi nói rằng, cô ấy chỉ cần tình yêu của tôi, ngoài ra mọi điều gì khác đều không quan trọng đối với cô ấy”, Fahmi tiếp tục chia sẻ.
Theo luật hôn nhân của Malaysia, độ tuổi kết hôn hợp pháp đối với các tín đồ theo đạo Hồi là 18 tuổi cho nam và 16 tuổi cho nữ. Tuy nhiên, việc kết hôn sớm hơn so với độ tuổi quy định vẫn có thể xảy ra khi cặp đôi nhận được sự đồng ý của cha mẹ và các tòa án Syariah (Malaysia hiện duy trì hệ thống pháp lý kép, gồm cả tòa án thế tục lẫn tòa án Syariah cho phần đông dân số là người Hồi giáo).
Câu chuyện tình yêu của cặp đôi này bắt đầu cách đây hơn một năm trước khi anh chàng Fahmi ở Kulim, Kedah trót đem lòng yêu Fazira dù cô bé mới chỉ hơn 10 tuổi. “Tôi yêu Fazira vì cô ấy hiểu cảm xúc của tôi và luôn ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn. Lần đầu tiên gặp cô ấy, tôi đã biết Fazira là người duy nhất mà tôi yêu”, chú rể Fahmi chia sẻ.
Sau thời gian tìm hiểu, bất chấp tuổi đời của cả hai còn quá trẻ, anh chàng Fahmi vẫn quyết định xin được cưới cô bé Fazira. Dĩ nhiên, cha của Fazira phản đối chuyện kết hôn bởi ông cho rằng con gái mình còn quá nhỏ và sợ nếu lấy chồng, cô bé sẽ phải bỏ học sớm. Tuy nhiên cuối cùng ông phải chấp nhận để cho con gái đi lấy chồng nhằm bảo vệ danh dự của gia đình vì Fazira từng bỏ nhà đi và tới ở tại nhà bạn trai của mình.
Tổ chức đám cưới đình đám vào ngày 17/11 mới đây, hiện cô bé Fazira đã bỏ học và chuyển đến sống tại nhà chú rể Fahmi. Buổi sáng cô bé dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng. Cặp vợ chồng trẻ thừa nhận, cuộc sống hôn nhân khiến họ có một số thay đổi nhưng chú rể Fahmi vui vẻ chia sẻ, Fazira vẫn là cô gái đã đánh cắp trái tim của mình.
Trong khi đó, bà Sharmila Sekaran, Chủ tịch của một tổ chức nhân quyền có tên là “Tiếng nói trẻ em” (Voice of the Children), có trụ sở tại Kuala Lumpur tuyên bố, những đám cưới trẻ con như vậy là bất hợp pháp và phải bị ngăn chặn.
Bà Sharmila nhấn mạnh hàng loạt các nghiên cứu đáng tin cậy đã chứng minh trẻ em ở độ tuổi 12 “hoàn toàn chưa đủ trưởng thành để hiểu và đảm nhận vai trò của họ trong một cuộc hôn nhân. Họ chắc chắn cũng chưa đủ các điều kiện để trở thành các ông bố bà mẹ khi mà bản thân họ cũng vẫn chỉ là những đứa trẻ”.
Đồng quan điểm với bà Sharmila, Ratna Osman, Giám đốc điều hành của nhóm Chị em Hồi giáo (Sisters in Islam), một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ Hồi giáo có trụ sở ở Kuala Lumpur cũng lên án chuyện kết hôn ở tuổi quá nhỏ như vậy.
Bà Ratna đề nghị Chính phủ cần phải đưa ra các quy định mới để nâng cao độ tuổi kết hôn tối thiểu không phân biệt giới, tôn giáo, tín ngưỡng lên 18 tuổi. Ngoài ra, Ratna cũng lên án các tòa án Syariah khi đặt ra các ngoại lệ cho phép các cuộc hôn nhân trẻ con diễn ra.
Phương Đăng