CNA: Trung Quốc ngày càng nguy hiểm, Mỹ cần nâng cấp “Tác chiến Không-Hải"
Một báo cáo mới nhất từ CNA, một tổ chức cố vấn quân sự cho chính phủ Mỹ, đang kêu gọi quân đội nước này điều chỉnh lực lượng của mình nhằm đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì hoà bình vả ổn định ở châu Á, chủ yếu là chống lại các mối đe doạ ngày càng tăng từ Trung Quốc và những “mối nguy hiểm” đến từ Triều Tiên.
Trong báo cáo dài 92 trang tập trung nghiên cứu về Trung Quốc của mình, CNA kết luận, quân đội Mỹ phải sẵn sàng chiến đấu chống lại vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên; hỗ trợ Hải quân, Thuỷ quân lục chiến và Không quân để đối phó với Trung Quốc. Theo CNA, Bắc Kinh đang xây dựng một lực lượng không cân xứng, công nghệ cao để đẩy Mỹ ra khỏi châu Á.
Binh lính Mỹ - Hàn trong một chương trình tập trận chung. |
Báo cáo cũng kêu gọi duy trì các “thoả thuận tích cực” với Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới Bắc Kinh. Nó cũng cảnh báo sự suy yếu của quan điểm hoà giải mà chính quyền Tổng thống Obama vẫn đang tiến hành trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hang và có những “ý định thiếu minh bạch và đáng lo ngại”.
Theo báo cáo này khẳng định, quân đội Mỹ ở châu Á có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh cho khu vực.
“Ngăn chặn khả năng xâm lược - điều có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên hay hành vi ép buộc và đe doạ - như các vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là một khía cạnh quan trọng để đạt được mục tiêu đó”, báo cáo viết, “Trong trường hợp có sự răn đe không thành hoặc không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, quân đội cần tăng cường lực lượng xung quanh khu vực”.
Lực lượng quân đội Mỹ hiện đã đưa khoảng 80.000 lính tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 20.000 quân tại Hàn Quốc, 22.500 quân tại Hawaii, hiện đang trong quá trình giảm bớt do cắt giảm ngân sách quốc phòng. Có khoảng 13.000 lính Mỹ ở Alaska và cũng đang phải đối mặt với việc cắt giảm biên chế.
Báo cáo vẫn đánh giá Triều Tiên là mối đe doạ lớn nhất đối với khu vực, đặc biệt là khi quốc gia này được dẫn dắt bởi nhà lãnh đạo quá trẻ tuổi Kim Jong Un. Báo cáo cũng cho rằng một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ ở biển Hoa Đông hay Biển Đông là mối nguy hiểm liên quan trực tiếp tới lực lượng quân đội Mỹ.
“Tác chiến không – hải” lần đầu tiên được công bố vào tháng 2/2010, gồm 2 lực lượng không quân và hải quân và được lên kế hoạch để vượt qua cái gọi là “chống tiếp cận” và “chống xâm nhập” vũ khí – tên lửa, tàu ngầm, vũ khí chống vệ tinh và chiến tranh không gian mạng – được Trung Quốc thiết kế để đẩy Mỹ ra khỏi khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Khái niệm này nhằm mô tả việc cải thiện các máy bay ném bom, tàu chiến cùng lực lượng hải quân để có thể tấn công các mục tiêu ở sâu bên trong Trung Quốc, nhanh chóng đánh bại Bắc Kinh trong bất kỳ cuộc xung đột nào ở tương lai.
Vào ngày 21/1, trang tin của Hải quân Hoa Kỳ thông báo rằng Lầu Năm Góc đã từ bỏ việc sử dụng khái niệm “Tác chiến không – biển” (Air Sea Battle hay ASB). Và đồng thời với đó, Văn phòng Tác chiến Không – Biển sẽ được sáp nhập vào Ban Hỗn hợp tác chiến (Joint Force Development hay Joint Staff J7) vốn được thiết lập nhằm theo dõi và phát triển khái niệm JAM-GC. Như vậy, khái niệm JAM-GC (Joint Concept for Access and Maneuver in the Global Commons) sẽ chính thức thay thế ASB như là kế hoạch tác chiến mới của quân đội Hoa Kỳ chống lại chiến lược chống xâm nhập – chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Khái niệm JAM-GC mới sẽ kết hợp thêm vai trò của Lục quân Hoa Kỳ vào một kế hoạch tác chiến đa binh chủng hỗn hợp, vốn không được coi là quan trọng dưới thời của ASB.
Nội dung thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ Washington Times.