Chuyện kỳ lạ của thị trường vàng
Ngày 12/8 là ngày đặc biệt của thị trường vàng, khiến nhà đầu tư có những lúc phải “đứng tim” vì chỉ trong 1 ngày vàng diễn ra 2 trạng thái mãnh liệt, lao dốc mạnh rồi vọt tăng
Thị trường vàng giảm, tăng chóng mặt khiến nhà đầu tư "đứng tim" vì vàng (ảnh minh họa). |
Do ảnh hưởng từ những biến động của thế giới nên sáng hôm qua (12/8), giá vàng thế giới tụt dốc nhanh chỉ còn 1.881 USD/ounce, giảm khoảng 120 USD/ounce so với ngày hôm trước tương đương 52,4 triệu đồng/lượng giá vàng trong nước.
Với mức giá vàng thế giới này thì giá vàng trong nước thời điểm đó ở chiều bán ra bằng với giá thế giới nhưng giá mua vào thấp hơn thế giới 3,5 triệu đồng. Đây là hiện tượng hiếm thấy trên thị trường vàng.
Áp lực chốt lời khiến vàng bị bán tháo sau khi liên tục phá vỡ đỉnh lịch sử 1.921 USD/ounce đã lập từ năm 2011, thậm chí vượt trên 2.000 USD/ounce và có thời điểm chạm mốc 2.070 USD/ounce chỉ trong khoảng 3 tuần qua.
Tại thị trường vàng trong nước, vừa mở cửa, giá vàng SJC sáng hôm qua 12/8 tiếp tục rớt thêm khoảng 3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Theo đó, lúc 9 giờ, giá vàng SJC niêm yết giá vàng miếng mua vào 49,93 triệu đồng/lượng, bán ra 52,19 triệu đồng/lượng, giảm 3,3 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước.
Nhưng đến 9h30, chỉ sau 30 phút, giá vàng SJC đã giảm tới hơn 2 triệu đồng mỗi lượng, rơi về mức 47,62 triệu đồng/lượng mua vào, 51,47 triệu đồng/lượng bán ra. Tính chung, mỗi lượng vàng đã mất tới 4 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 11/8. Đặc biệt là mức chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào được nới rộng lên trên dưới 4 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chỉ trong có vài giờ đồng hồ của buổi chiều ngày hôm qua, bỗng nhiên giá vàng lại đảo chiều tăng mạnh, giá vàng thế giới tăng thêm 50 USD/ounce khiến vàng trong nước cũng nhanh chóng quay đầu tăng tốc.
Tại thời điểm 15h30 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới ở quanh 1.940 USD/ounce, tăng 53 USD so với cuối buổi sáng. Theo đó, giá vàng SJC trong nước được đưa lên mức 53,11 - 56,93 triệu đồng/lượng, tăng 5,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 4,7 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối buổi sáng.
Điều đặc biệt là giá vàng thế giới từ cuối tuần qua đến nay chỉ giảm khoảng 3%, trong khi giá vàng SJC đã giảm tới khoảng 10%. Và cũng trong chiều 11/8, lần đầu tiên từ tháng 7 đến nay, giá vàng SJC bán ra mới ngang bằng giá thế giới quy đổi..
Theo các chuyên gia, có nhiều nhân tố tác động lên giá vàng. Đầu tiên do giá trị đồng tiền USD khôi phục khi số liệu công bố việc làm của Mỹ khá khả quan.
Nhưng điều quan trọng nhất, chính là tuyên bố của Tổng thống Nga về việc đã có vắc -xin chữa trị được COVID-19, với sự đảm bảo thử nghiệm lâm sàng trên con gái của ông đã gây áp lực rất mạnh lên giá vàng thỏi.
Do thị trường vàng trong nước hiện không liên thông với thế giới (từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép nhập khẩu vàng để gia công, sản xuất vàng SJC cho DN nào) nên khi giá biến động mạnh, không chỉ nhà đầu tư, người dân mà cả DN vàng lớn cũng chịu nhiều rủi ro.
Với diễn biến tăng giảm thất thường, biến động cả 2-3 triệu đồng/lượng mỗi ngày, các chuyên gia khuyến cáo người dân chỉ nên mua để dành như một tài sản an toàn, còn lướt sóng thì rất rủi ro và có ít cơ hội. Bởi rất khó để giá vàng tăng trở lại 5-7 triệu đồng/lượng trong thời gian ngắn.
Giải thích về việc vàng trong nước bị đẩy giá quá cao so với thế giới tới 5-6 triệu đồng/lượng, một số công ty vàng cho hay ở những thời điểm giá vàng biến động quá mạnh, nhu cầu mua bán vàng đều tăng, DN phải nới rộng khoảng cách giữa giá mua và giá bán để phòng rủi ro cho chính mình khi giá vàng đang ở mức cao và có thể quay đầu sụt giảm bất cứ lúc nào. Từ đó dẫn đến sự chênh lệch cung - cầu và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng.
Hải Yến
"Chênh" tận 5,5 triệu đồng mỗi lượng, giới buôn vàng vỡ mộng
Chưa khi nào giá vàng trong nước lại giảm mạnh như hôm nay, chỉ trong vòng buổi sáng giá vàng giảm hơn 5 triệu đồng mỗi lượng. Nghịch lý là giá vàng càng giảm thì giá chênh lệch giữa mua và bán lại càng tăng, lên tới 5,5 triệu đồng