Chuyện hậu trường sale bất động sản mùa dịch
Thị trường bất động sản “rời đỉnh” cộng thêm “cú đấm bồi” Covid-19 khiến giới sale bất động sản từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu.
Một thời hào nhoáng
Khoảng thời gian cuối năm 2015 đến đầu năm 2019 là thời điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam nóng sốt đỉnh điểm với lượng mua bán lên đến hàng nghìn lô đất mỗi tháng. Lúc bấy giờ, việc mua bán bất động sản diễn ra liên tục và dễ dàng, nhờ đó, nghề sale (nhân viên kinh doanh) bất động sản rất “hot” với nguồn thu nhập lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm.
“Khi đó, thu nhập từ sale bất động sản vượt xa mặt bằng chung các ngành nghề khác, trong công ty tôi không ít người có thu nhập từ 50-70 triệu đồng/tháng. Làm ra tiền nhiều thì tiêu pha cũng nhiều, nào là mua sắm đồ hiệu, xe xịn, cả ngày “check in” ăn uống, vui chơi tại các nhà hàng sang trọng, các resort lớn để khoe hình ảnh thành đạt, hào nhoáng của bản thân trên mạng xã hội…”, anh Nguyễn Dũng Sỹ, từng là nhân viên sale một công ty bất động sản lớn tại Đà Nẵng, hiện làm môi giới bất động sản tự do nhớ lại.
Khánh Huyền, cựu nhân viên truyền thông tại một doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng kể lại: “Nhân viên sale lúc ấy là đội ngũ mang đến nguồn thu chính cho các doanh nghiệp bất động sản nên rất được công ty trọng vọng. Do vậy, vị thế của họ trong công ty cũng hơn hẳn các nhân viên khác. Tại các buổi tiệc, trong khi đội ngũ sale ăn uống, cụng chúc linh đình thì các nhân viên văn phòng, marketing phải quay phim, chụp hình và làm sự kiện cho bữa tiệc”.
Thực tại khó khăn
Thế rồi cái thời hào nhoáng đó cũng dần lùi vào quá khứ, khi thị trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu suy thoái, các sale bất động sản trở lại với cuộc sống hiện thực đầy thách thức, khó khăn.
Thực tế, từ giữa năm 2019, nhà đầu tư bắt đầu tháo chạy đồng loạt khỏi thị trường địa ốc Đà Nẵng - Quảng Nam. Lúc này, các doanh nghiệp bất động sản lớn cũng thực hiện cắt giảm mạnh nhân sự kinh doanh để giảm chi phí, dẫn đến hàng nghìn sale bất động sản mất việc.
“Chỉ những sale nhiều kinh nghiệm, có mối quan hệ rộng với giới đầu tư mới ổn định được cuộc sống, còn lại phần lớn phải làm lại từ đầu, đi xin việc mới hoặc chuyển sang kinh doanh online với mức thu nhập chỉ bằng phần nhỏ so với trước đây. Điều này khiến cuộc sống của họ thời gian đầu trở nên chật vật, khi thói quen tiêu pha thoải mái đã ngấm trong người”, anh Nguyễn Dũng Sỹ nói.
Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Trọng Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Bold Land, một doanh nghiệp môi giới bất động sản nhỏ mới thành lập giữa năm 2020 ở Đà Nẵng cho hay, Công ty được thành lập bởi một vài anh em thân thiết cùng làm sale bất động sản, trước đây công việc còn thuận lợi, có thu nhập ổn định còn tính được việc này việc nọ, nhưng kể từ khi thị trường đi xuống, đặc biệt là sau khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, gần 2 năm nay Công ty không có doanh thu.
“Giờ với chúng tôi có một vài chục triệu đồng trong người để dự phòng việc gia đình đã là mừng”, ông Phụng thành thực kể và cho biết, mới đây, nghe theo sếp ở công ty cũ, ông mang toàn bộ số tiền tích cóp hơn 200 triệu đồng để góp vốn vào một doanh nghiệp, nhưng vì cả tin nên không làm các thủ tục giao nhận tiền hay yêu cầu điều chỉnh danh sách cổ đông trên giấy phép đăng ký kinh doanh để có quyền lợi hợp pháp.
Do vậy, sau khi nhận tiền, thay vì đầu tư vào hạng mục kinh doanh, vị này đã mang toàn bộ số tiền sử dụng vào việc khác và sau đó cũng không thực hiện việc chia sẻ lợi nhuận như cam kết. Hiện tại, do cuộc sống khó khăn, ông Phụng xin lấy lại khoản tiền gốc để trang trải cuộc sống, nhưng không được. Chưa kể, công ty cũ còn “gác lại” số tiền hơn 100 triệu đồng phí hoa hồng bán sản phẩm trong năm 2019.
Rầm rập 'bán cắt lỗ chung cư' hàng trăm triệu: Chiêu hút khách 'vào rọ'
Giữa thời điểm dịch bệnh, nhiều căn hộ chung cư được rao bán ‘cắt lỗ’ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng trên thị trường hiện nay. Thực hư chuyện rao bán ‘cắt lỗ’ chung cư là thế nào?
Theo ĐTCK