Chuyên gia tim mạch nói về bệnh "thấp khớp đớp tim"
Ảnh minh hoạ. |
Nỗi lo viêm tim của bệnh nhân xương khớp
Bà Đỗ Thị Niệm, 63 tuổi, trú tại thị trấn Lương Sơn, Hoà Bình bị bệnh thấp khớp nhiều năm. Cứ vào những ngày mùa đông, thời tiết thay đổi là bà lại khó chịu, đau nhức khớp gối, mắt cá chân.
Bà Niệm lúc nào cũng lo bị bệnh tim vì các cụ bảo "thấp khớp đớp tim". Bà luôn đòi con cái cho đi kiểm tra thường xuyên. Dù được bác sĩ tuyến huyện phân tích nhưng bà vẫn cho rằng họ chẩn đoán không đúng và khi thấy mệt mỏi bà lại cho rằng tim đang bị "ốm" do khớp ăn.
Đây không chỉ riêng nỗi lo của bà Niệm mà rất nhiều người bị xương khớp cũng sợ. Ông Trần Văn Bính trú tại Lục Ngạn, Bắc Giang xuống Bệnh viện Việt Đức kiểm tra cột sống. Ông Bính bị thoái hóa đốt sống cổ đã điều trị nhiều năm không khỏi. Ông Bính luôn lo lắng sẽ bị đau tim theo.
Nhiều người lo, mắc bệnh xương khớp sẽ mắc thêm bệnh tim |
Chị Lê Minh Hằng trú tại Hà Nam, bị viêm đa khớp hàng chục năm nay. Cứ ngưng thuốc là chị đau, các ngón tay sưng. Những ngày đầu bị bệnh, chị kể, người nhà lúc nào cũng lo chị có thể bị bệnh tim bất cứ lúc nào.
Chỉ đến khi, chị Hằng lên Viện Tim mạch quốc gia nghe bác sĩ nói về bệnh "khớp đớp tim", chị mới hiểu bệnh viêm đa khớp của mình không thể tiến triển gây bệnh viêm tim được.
Bệnh do vi khuẩn
PGS Tạ Mạnh Cường- Phó Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia, cho biết, "thấp khớp đớp tim" chỉ là cách gọi dân gian. Theo bác sĩ Cường, đó là bệnh thấp tim hay còn gọi là thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp.
Đây được coi là một trong những bệnh của hệ miễn dịch mô liên kết hay thuộc hệ thống tạo keo. Nó không liên quan gì đến bệnh xương khớp.
Cho đến nay, thấp tim vẫn còn là một bệnh khá thường gặp, bệnh thường gặp ở lứa tuổi học đường. Theo PGS Cường, tỷ lệ thấp tim ở lứa tuổi học đường là 4,5%.
Nguyên nhân của bệnh là do vai trò gây bệnh của liên khuẩn cầu bê ta máu nhóm A. Những độc tố từ liên cầu nhóm A đã làm tổn thương tổ chức liên kết ở trong tim. Các kháng nguyên streptolysin O, streptokinase tạo kháng thể Aslo gây tổn thương tim.
PGS Cường cho biết, cấu trúc một số thành phần của liên cầu nhóm A và clucoprotein ở van tim người gần giống nhau, cơ thể sinh ra kháng thể chống lại các liên cầu xâm nhập chống lại chính những tổ chức ở tim của mình.
Tuy nhiên, cho đến nay cơ chế bệnh sinh của thấp tim vẫn còn nhiều điểm chưa thật sáng tỏ.
Triệu chứng của thấp tim thường gặp là viêm tim, có thể viêm màng tim, viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim, viêm tim toàn bộ với các triệu chứng lâm sàng như nhịp tim nhanh, nhịp ngựa phi hay còn gọi suy tim cấp, đau ngực, tiếng cọ màng ngoài tim, tiếng tim mờ.
Triệu chứng thứ hai là viêm khớp như sưng, nóng, đỏ và đau khớp vị trí ở các khớp lớn như gối, cổ chân, cổ tay, khuỷu, vai và có tính di chuyển.
Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng vận động nhanh, các động tác dị thường, không tự chủ, khó viết, khó nói, da có ban đỏ nhất là người da trắng dễ nhìn thấy.
Dấu hiệu phụ khác: Trẻ em bị bệnh thấp tim còn có biểu hiện sốt, sốt từ 38 – 39 độ, có khi sốt cao kèm theo da xanh, vã mồ hồi. Biểu hiện này xảy ra ở giai đoạn cấp. Bệnh nhân có thể đau khớp, đau nhiều khớp, cơ quanh khớp.
Với những trẻ bị thấp tim, bác sĩ chỉ cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng là có thể thấy được biểu hiện của bệnh và điều trị kháng sinh kèm theo corticoid để điều trị viêm khớp. Trong thời gian điều trị, trẻ cần nghỉ ngơi, theo dõi các điện tim hàng tuần.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ một cách cẩn thận, không nên coi thường khi trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Đưa trẻ đi khám và điều trị triệt để các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm da.
Hướng dẫn trẻ biết cách giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên, đánh răng và súc miệng vệ sinh mũi họng, đi ra ngoài nên đeo khẩu trang cẩn thận.