Chuyên gia quốc tế: Việt Nam sẽ không mua vũ khí Trung Quốc
Tiêm kích J-10 do Trung Quốc sản xuất. |
Theo nhà nghiên cứu Richard Bitzinger thuộc Khoa nghiên cứu quốc tế (RSIS) của ĐH Nanyang (Singapore), có thể còn quá sớm nếu dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hiện đại lớn bởi Bắc Kinh vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức đáng kể trong việc đưa sản phẩm này vào thị trường. Tuy nhiên, có thể dù sớm hay muộn thì Trung Quốc vẫn sẽ thu được những thành công trong việc mở rộng doanh số bán vũ khí trên toàn cầu.
Trong bài viết đăng hồi cuối tháng 10 vừa qua, tờ New York Times của Mỹ cho rằng hiện nay Trung Quốc đã nổi lên như là một nhà xuất khẩu vũ khí hiện đại lớn. Theo truyền thống, thị trường vũ khí toàn cầu thường do một nhóm các nhà cung cấp chủ yếu là ở phương Tây thống trị như: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và gần đây là Israel. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tỏ ra rất nghiêm túc trong cuộc chiến cạnh tranh nhằm phá vỡ thế độc quyền này bằng việc đưa ra những giá chào bán cực thấp. Theo New York Times, danh sách “hàng hóa” của Trung Quốc hiện đã mở rộng ra cả máy bay không người lái (kiểu Predator), hệ thống phòng không tương tự như tên lửa Patriot của Mỹ và thậm chí là cả tiêm kích tàng hình.
Kết quả là Trung Quốc đã chính thức trở thành 1 trong 5 nhà xuất khẩu vũ khí lớn toàn cầu với doanh thu trung bình khoảng 2 tỷ USD/năm. Họ đang mở rộng nhóm khách hàng truyền thống ở Nam Á, châu Phi và cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Mỹ Latinh, Trung Đông. Thậm chí là một quốc gia thuộc khối NATO là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc với giá 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, còn quá sớm để có thể coi Trung Quốc là quyền lực mới trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu. Với những hệ thống công nghệ cao như chiến đấu cơ siêu thanh, tàu ngầm, vũ khí dẫn đường chính xác… Hầu hết các thương vụ lớn của Trung Quốc mới chỉ nhắm đến các khách hàng ít tiền như Pakistan hay Bangladesh. Theo thống kê của tạp chí quân sự nổi tiếng “HIS Jane’s”, riêng hai quốc gia này dã chiếm tới hơn ½ tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong năm 2012.
Ngoài ra, không ai có thể đảm bảo Trung Quốc sẽ duy trì được lượng khách hàng của mình trong dài hạn. Đơn cử như Myanmar đã mua một lượng lớn vũ khí Trung Quốc trong những năm 1990 và đầu thập niên 2000 nhưng đã giảm mạnh trong những năm gần đây. Iran cũng vậy, từ nhiều năm qua Tehran đã cố tình lờ Bắc Kinh mỗi khi có ý định mua vũ khí mới. Ngoài một số sản phẩm công nghệ cao mang tính cạnh tranh như tên lửa đạn đạo HQ-9 SAM hay C-802 chống hạm, hầu hết vũ khí Trung Quốc bán ra đều là loại bình dân hay đơn giản như xe vũ trang hạng nhẹ, hệ thống pháo, máy bay tuần tra, tên lửa SAM vác vai… Một trong những loại hàng bán chạy nhất của Trung Quốc là máy bay tiêm kích huấn luyện K-8, phù hợp với những nước ít tiền hoặc không có điều kiện để vận hành tiêm kích hiện đại. Nhiều hệ thống vũ khí, mặc dù đã được Bắc Kinh liên tục quảng bá, tâng bốc như chiến đấu cơ J-10, JF-17… nhận được rất ít đơn đặt hàng.
Tổ hợp tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc. |
Điều đáng nói hơn là Trung Quốc có nhiều thứ “không thể bán” như các loại vũ khí biến đổi, đạn thông minh, hệ thống giám sát theo dõi, hệ thống chiến đấu hiện đại và thiết bị điện tử phòng vệ. Tờ New York Times cho biết, Angeria đã từng đặt mua tàu hộ tống Trung Quốc nhưng trang bị radar, phụ tùng liên lạc lại là của Pháp. Trong lĩnh vực tên lửa và máy bay không người lái, dù đã rất cố gắng sao chép, đánh cắp công nghệ nhưng Trung Quốc còn rất lâu mới có thể đuổi kịp các nước phương Tây.
Dù chất lượng đáng lo ngại như vậy nhưng bằng sức ảnh hưởng kinh tế, thương mại của mình, Bắc Kinh vẫn tác động được tới quyết định mua sắm vũ khí của một số nước Đông Nam Á. Myanmar đã mua máy bay huấn luyện K-8, xe bọc thép, tàu hộ tống và tàu khu trục nhỏ trang bị tên lửa hành trình chống hạm. Campuchia và Malaysia đã mua tên lửa SAM. Lào mua máy bay trực thăng và máy bay vận tải hạng nhẹ. Mới đây, Thái Lan đã mua 2 tàu khu trục nhỏ còn Indonesia không chỉ mua tên lửa SAM, tên lửa hành trình chống hạm mà còn hợp tác với Trung Quốc để phát triển lĩnh vực tên lửa của mình.
Mặc dù vẫn chỉ là các hợp đồng nhỏ lẻ, song các nước ASEAN có thể đang cảm thấy áp lực gia tăng phải mua thêm vũ khí của Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ vẫn chưa kịp “xoay trục sang châu Á”. Vì thế, với nhiều nước Đông Nam Á, việc mua vũ khí Trung Quốc mang tính chính trị nhiều hơn là xuất phát từ nhu cầu thực sự. Duy chỉ có Việt Nam và Singapore là những nước có vẻ như sẽ không bao giờ mua vũ khí Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc nổi dần lên với tư thế là nhà xuất khẩu vũ khí sẽ tác động rất nhiều đến Đông Nam Á, có nguy cơ làm thay đổi cán cân quân sự. Ngoài ra, việc Trung Quốc sẵn sàng bán tất cả những loại vũ khí có thể sẽ khiến thị trường Đông Nam Á trở nên khó đoán định và có thể sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang.
Tin mới nhất về vụ cháu bé 18 tháng bị bảo mẫu đánh chết ở TP. HCM