Chuyên gia nói về “chìa khóa” trong quan hệ Nga – Đức
Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Đức Merkel |
Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Deutschlandfunk, ông Platzek đã tuyên bố rằng trong nhiều năm, Nga và Đức đã phát triển quan hệ đối tác gần như chuyển sang tình hữu nghị. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: "Điều đó rõ ràng đã có thay đổi. Quan hệ giữa hai nước Nga – Đức gần đây đã trở nên lạnh nhạt hơn".
"Bây giờ chúng ta phải xem xét nơi mà chúng ta có thể tìm thấy những lợi ích trùng hợp để ít nhất đạt được khả năng dự báo lớn hơn… Tôi không nói về quan hệ đối tác, tình bạn hay những thứ tương tự như vậy nữa. Tôi rất tiếc, nhưng giai đoạn đó đã qua rồi". Ông nói thêm rằng một trong những lợi ích chung đối với hai nước là dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
"Dòng chảy phương Bắc 2 thực sự có thể trở thành một dự án quan trọng, là "chìa khóa" cho mối quan hệ của chúng ta", ông Platzek nói đồng thời nhận định, nếu dự án này được thực hiện, nó có thể giúp đạt được tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề xung đột ở miền Đông Ukraine - Donbass.
Ông Platzek cũng nhấn mạnh sự phản đối dữ dội của Mỹ đối với dự án này cũng hoàn toàn xuất phát từ lý do kinh tế và mong muốn bán khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ cho Đức.
Ông Platzek mạnh mẽ phản đối quan điểm cho rằng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ làm cho Đức phụ thuộc chính trị vào Nga. Ông nói: "Tôi không thấy ở đây có khía cạnh tiêu cực và sự phụ thuộc, mà là cơ hội để phát triển nền kinh tế quốc gia của chúng ta ở châu Âu".
Quan hệ giữa Liên bang Nga và các nước phương Tây xấu đi sau cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014, và xung quanh việc bán đảo Crimea sáp nhập với Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý tại bán đảo này. Các nước phương Tây cáo buộc Liên bang Nga can thiệp vào các vấn đề của Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Đáp lại, Moscow nhiều lần bác bỏ tất cả các cáo buộc của Ukraine và phương Tây, và tuyên bố rằng sẽ phản tác dụng nếu nói chuyện với Nga bằng ngôn ngữ trừng phạt. Gần đây, ở một số nước phương Tây, các ý kiến về sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga ngày càng được đưa ra nhiều.
Dòng chảy phương Bắc 2: “Chìa khóa” trong quan hệ Nga – Đức |
Dòng chảy phương Bắc 2
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất lên đến 55 tỷ m3 khí/1 năm từ bờ biển của Nga qua biển Baltic đến Đức, bỏ qua Ukraine. Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hiện tại trước khi rẽ nhánh.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án này. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".
Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ euro.