Chuyên gia NATO: Nga “hun nóng” khủng hoảng tị nạn ở Đức để lật đổ Merkel
Các chuyên gia NATO khẳng định, họ đã phát hiện ra kế hoạch của Nga nhằm kích động dân chúng nhằm buộc Thủ tướng Đức Angela Merkel, một trong những người ủng hộ áp đặt lệnh cấm vận đối với Moscow, phải từ chức.
Đức là một trong những nước ủng hộ áp đặt cấm vận kinh tế đối với Nga. |
Ông Janis Sarts, giám đốc của một trung tâm phân tích tình báo của NATO tại Riga (Latvia) cáo buộc rằng từ lâu Nga đã hậu thuẫn cho các tổ chức cực đoan ở châu Âu và ông này tin ông đang có những bằng chứng cho thấy Nga đang có kế hoạch lật đổ bà Merkel.
Ông Sarts nhấn mạnh rằng những tuyên bố mà ông đưa ra không phải trong vai trò của một phát ngôn viên của NATO. “Moscow đang thiết lập một mạng lưới ngầm tại Đức, và cùng với khủng hoảng di dân, họ đang gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chính trị nước này. Đây không phải là hành động trả đũa đơn thuần, mà là Nga đang kiểm tra xem liệu họ có thể dựa trên những vấn đề nội tại để ảnh hưởng tiêu cực đối với Đức hay không”.
“Nga đang xem xét xem họ có thể làm gì với một quốc gia bình thường có rất ít điểm yếu, để buộc họ thay đổi những lãnh đạo cấp cao. Họ dùng các phương tiện truyền thông, thậm chí còn lợi dụng phát ngôn của phe cực hữu ở Đức để làm điều này”, ông Sart nói thêm.
Lấy dẫn chứng từ những báo cáo tình báo mật, ông Sarts khẳng định: “Nhìn chung, anh có thể lần ra được những nguồn tài chính mà Nga dùng để hậu thuẫn cho các nhóm cực đoan ở châu Âu. Chỉ cần đó là những tổ chức cực đoan, đó sẽ là những công cụ mà Nga sẽ sử dụng dựa trên những chiến lược của mình”.
Hơn một triệu người tị nạn, phần lớn trong số này đến từ Syria, đã có mặt tại Đức trong vòng 1 năm qua. Nhiều người trong số họ bị thu hút khi Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức sẽ không giới hạn số người gặp nạn có thể tạm trú tại quốc gia này.
Sự nghiêm trọng của khủng hoảng di dân đã dẫn đến sự nổi lên của đảng cực hữu AfD ở Đức. Trong một khảo sát mới đây, có đến 81% người dân Đức tin rằng bà Merkel đang mất dần kiểm soát tình hình hiện tại. Sắp tới, một cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra tại ba trong số 16 bang của Đức. Đây được coi là thước đo xác định ý kiến của người dân về chính sách hỗ trợ người tị nạn của bà Merkel.
Ông Sarts cho rằng kế hoạch nhằm châm ngòi căng thẳng ở Đức của Nga giờ không còn hiệu quả như trước bởi chúng đã bị các cơ quan tình báo phát hiện, đồng thời khẳng định các nước châu Âu khác cũng có thể là mục tiêu của những hoạt động này của Nga.
“Trong chiến tranh thông tin, đòn công kích hiệu quả nhất được thực hiện khi đối phương không chú ý. Tôi khẳng định rằng hiện đang có một số quốc gia vẫn chưa nhận ra ý đồ của Nga hoặc chủ động làm ngơ”, ông Sarts kết luận.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.