Chuyên gia Mỹ: Washington nên có chiến lược “Trục châu Á” về kinh tế”
Trong tháng này dự án đường ống dẫn khí tự nhiên ở Myamar được đưa vào hoạt động, gửi một thông điệp rõ nét tới Mỹ và các quốc gia khác muốn tìm kiếm quan hệ làm ăn với quốc gia Đông Nam Á này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm lịch sử tới Myanmar hồi tháng 11/2012. |
Nếu Mỹ “sao nhãng” chiến lược “Trục Myanmar” cho tới nay vẫn tỏ ra thành công của mình thì đó sẽ là sai lầm dù cho Washington vẫn quan ngại về các vấn đề nhân quyền và bạo lực phe phái ở nước này.
Một điều rõ ràng là Trung Quốc chưa dừng lại ở Myanmar.
Ngay cả khi dự án thủy điện đầy tranh cãi ở Myanmar do Trung Quốc hậu thuẫn đã tạm thời dừng lại nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục đầu tư vào Myanmar. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar, tổng đầu tư của Trung Quốc vào nước này đã đạt 20,7 tỷ USD và các doanh nghiệp Trung Quốc đang sử dụng hơn 15.000 lao động Myanmar. Hiệp hội này cũng cho biêt các doanh nghiệp Trung Quốc ở Myanmar đã quyên góp 70 triệu USD cho quỹ phúc lợi xã hội.
Như vậy, thông điệp của Trung Quốc là rất rõ. Các doanh nghiệp Trung Quốc có mặt ở đây và cạnh tranh, ngay cả khi các doanh nghiệp từ các nước khác đang tìm mọi cách để đuổi kịp họ.
Trong chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Myanmar hồi tháng 11/2012, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ngay sau khi tái đắc cử. Mục đích của chuyến thăm của ông Obama, cùng với việc EU và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Myanmar, là nhằm khuyến khích thay đổi và “đầu tư có trách nhiệm”. Sau chuyến thăm, các doanh nghiệp Mỹ đã nhanh chóng “noi theo” tổng thống Obama và cũng tiến hành các chuyến thăm Myanmar tìm cơ hội kinh doanh.
Tại thủ đô Yangon, những dấu hiệu của cái gọi là chiến lược “Trục châu Á” và “Trục Myanmar” của Mỹ được thể hiện khá rõ nét.
Những chiếc áo in hình Tổng thống Mỹ vẫn được treo ở các cửa hàng và sự hiện diện của văn hóa phương Tây có thể nhận thấy qua các biển hiệu Coca – Cola, các giáo viên và tình nguyện viên người Mỹ cũng như vô số phái đoàn doanh nhân Mỹ và châu Âu.
Và những dấu hiệu trên cho thấy hàm ý quan trọng. Chiến lược “Trục châu Á” của Mỹ phải vượt ra khỏi giới hạn về quân sự và ngoại giao, tiến sang các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục và văn hóa.
Mặc dù Đông Nam Á có thể âm thầm chào đón sự hiện diện về quốc phòng và ngoại giao của Mỹ, nhưng Washington cần phải hàng ngày theo dõi chiến lược này. Đã đến lúc Mỹ phải xem xét những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ và mở rộng mối quan hệ giáo dục và văn hóa trong khu vực.
Dù là các doanh nghiệp Mỹ hay Trung Quốc, châu Âu hay Nhật Bản thì họ sẽ không chỉ cạnh tranh về mặt sản phẩm và dịch vụ mà họ cung cấp. Họ sẽ phải cạnh tranh về cách tuân thủ pháp luật, tôn trọng người lao động, người dân địa phương và không làm ảnh hưởng tới môi trường.