Chuyên gia hướng dẫn cách nhận biết, chăm sóc trẻ nhiễm Rota vi rút
Bác sĩ Cúc tư vấn cho bệnh nhân. |
Chị Nguyễn Thị Phượng – Hà Đông, Hà Nội chia sẻ con gái chị 2 tuổi trong 1 tháng bị tiêu chảy hai lần. Lần đầu, bé bị tiêu chảy kèm theo nôn ói. Chị Phượng cho con đi khám bác sĩ chẩn đoán tiêu chảy mùa đông. Sau khám xong, chị Phượng cho con uống thuốc phòng tiêu chảy nhưng chỉ được 1 tuần đỡ bé lại đi ngoài trở lại.
Chị Phượng vẫn dùng đơn thuốc cũ cho con nhưng bé không đỡ. Một ngày bé đi ngoài 6,7 lần, mắt trũng sâu, người mệt. Chị Phương lại đưa con đi khám, bác sĩ cho biết bé bị rối loạn điện giải do tiêu chảy mất nước. Cháu bị nhiễm rota vi rút chị Phượng lại sử dụng thuốc cầm tiêu chảy khiến bé bị rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài thêm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc – Bệnh viện An Việt cho biết bệnh tiêu chảy do rota vi rút hoặc tiêu chảy mùa đông là bệnh phổ biến hay gặp ở trẻ từ 3 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi.
Bác sĩ Cúc cho biết đối với tiêu chảy do vi rút rota, trẻ tự nhiên đi ngoài không phải do thức ăn hay do sốt. Trẻ đi ngoài nhiều, phân nhiều nước. Nếu trẻ đi ngoài nhiều kèm theo sốt đó là biểu hiện của mất nước.
Với tiêu chảy rota trẻ sẽ nôn trước sau 1, 2 ngày sẽ đi ngoài. Nhiều trẻ khóc, đòi nước vì mất nước. Những trường hợp môi se, mắt trũng là dấu hiệu mất nước cần bổ sung thật nhiều nước. Khi trẻ đi ngoài nên cho orezol hoặc lấy nước cháo hòa muối uống thay orezol. Trẻ dưới 3 tháng tuổi việc giám sát số lần đi ngoài, phân mất rất quan trọng. Nếu trẻ quấy khóc cần đưa tới bệnh viện để truyền dịch vì trẻ quá nhỏ không thể bổ sung orezol hay nước khác.
Khi trẻ bị tiêu chảy do vi rút rota không nên cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh vì có thể làm rối loạn hệ tiêu hóa của trẻ và chưa kể tác hại tác dụng phụ của thuốc gây nên nữa.
Bác sĩ Cúc chia sẻ cách chăm sóc trẻ bị nhiễm vi rút Rota đó là cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường: Cho trẻ uống lượng nước gần như gấp đôi lượng ngày thường để bổ sung lượng nước cho cơ thể. Bổ sung nước đầy đủ sẽ giúp bé nhanh chóng lấy lại sức, giảm triệu chứng bệnh.
Mặc dù, các bé có thể sẽ quấy khóc vì khó chịu trong người, đau bụng nhưng bạn vẫn phải luôn đảm bảo các bé ăn đủ lượng thức ăn mỗi ngày. Rất nhiều người cho rằng ăn uống nhạt sẽ giúp bệnh tiêu chảy của bé mau khỏi. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải chọn lựa những món ăn và thực phẩm phù hợp với tình trạng bệnh của con trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ nên bổ sung kẽm và nhiều vitamin khác. Quá trình hệ tiêu hóa rối loạn đã khiến cơ thể quá thiếu chất và mệt mỏi. Bổ sung các vitamin và kẽm sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn sau khi ốm. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi tìm đến sử dụng những loại vitamin hay kẽm bổ sung chất.