Chuyên gia đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân bướu cổ khi nào nên động dao kéo
Bướu cổ khi nào nên mổ. Ảnh minh họa |
Hoang mang vì bướu cổ
Chị Hoàng Thị Nga – 29 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội tâm sự chị bị bướu cổ từ 7 năm nay. Lúc đó chị Nga chưa lập gia đình bướu nhỏ hơn chị vẫn điều trị ở Bệnh viện Quân đội 108. Tuy nhiên, năm nay bướu cổ của chị to hơn và chị đi khám bác sĩ cho biết chỉ cần hút dịch. Mỗi lần hút dịch bác sĩ đều cho kiểm tra lại.
Chị Nga đến một bệnh viện khác kiểm tra cho chuyên khoa hơn thì lại được bác sĩ tư vấn phẫu thuật bướu cổ. Điều này khiến chị Nga lo lắng.
Mới đây, đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chị Vũ Mai Thuần – 36 tuổi đã mổ bướu cổ 2 lần và đến nay bướu cổ lại xuất hiện khiến chị Thuần hoang mang, lo lắng.
Khám cho chị Thuần, PGS Tạ Văn Bình – nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng trường hợp của chị không cần mổ vì mổ thì bướu cổ lại xuất hiện. Bác sĩ Bình tư vấn chị Thuần có thể điều trị nội khoa.
Còn PGS Nam cho biết bướu cổ không phải trường hợp nào cũng phải mổ. Ví dụ như bướu do cường giáp thì bệnh nhân không cần phải mổ , những trường hợp bướu lành nhỏ và cũng không bắt buộc mổ. Thậm chí bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt cũng không nên “động dao, động kéo”.
Đặc biệt, bướu basedow là bướu cổ do cường chức năng tuyến giáp và gây ra hiện tượng nhiễm độc giáp thì tuyệt đối không được chỉ định phẫu thật . Nhất là những bệnh nhân đang trong đợt nhiễm độc giáp tiến triển. Nếu muốn phẫu thuật cũng phải chuẩn bị chu đáo điều trị nội khoa trước.
Việc phẫu thuật – các bướu cổ lành tính cần cân nhắc thận trọng. Nhiều trường hợp sau phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp, do nhu cầu cơ thể đòi hỏi lượng hooc-môn bù đắp nên tuyến giáp phải tái tạo lại và sinh u tiếp. Ngoài ra, bản thân có các u nhân nhỏ không tìm ra sẽ mọc ra nên việc phẫu thuật không có giá trị. Hơn nữa, khi phẫu thuật u lành cắt hết tuyến giáp thì bệnh nhân phải sử dụng thuốc hooc-môn tuyến giáp đến suốt đời.
Khi nào cần mổ
PGS Nam cho biết bướu tuyến giáp chỉ định mổ khi bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt - do chèn vào đường thở hoặc thòng vào lồng ngực - hoặc lồi ra trước cổ gây mất thẩm mỹ. Trường hợp ung thư hoặc nghi ngờ ung thư - bướu tuyến giáp ác là loại ung thư gây xâm lấn các cơ quan xung quanh, nhất là dây thần kinh hồi thanh quản sẽ gây khàn tiếng, hoặc khi bướu di căn sẽ gây tổn thương gan, phổi, xương, não…
Khi quyết định mổ, thầy thuốc phải tìm hiểu và đánh giá thật chính xác những yếu tố gây nên bướu tuyến giáp. Vì bệnh lý của tuyến giáp, ngoài sự thay đổi về thể tích chúng ta còn gặp những thay đổi về cấu trúc của tuyến giáp.
Hiện, bướu tuyến giáp được phân loại theo sự thay đổi về chức năng của tuyến giáp: Bướu giáp với chức năng tuyến giáp bình thường; Bướu giáp với thiểu năng tuyến giáp; Bướu giáp với tăng năng tuyến giáp, còn gọi là cường giáp…
Ngoài ra, theo PGS Nam bướu giáp còn được phân loại theo sự cấu trúc giải phẫu bệnh lý: Đại thể: Bướu giáp lan tỏa, Bướu giáp thể nhân, Bướu giáp hỗn hợp; Vi thể: Bướu giáp nhu mô; Bướu giáp thể nang; Bướu giáp hỗn hợp nang - nhu mô. Trong đó, bướu giáp thể nhân là quan trọng nhất, vì nó có nhiều hình thái biến đổi như: Có thể là một khối u lành tính của tuyến giáp; Có thể là bướu chứa đầy chất keo; Hoặc bướu keo có thoái hóa của biểu mô trong nang tuyến còn gọi là bướu giáp thể nang; Bướu giáp với sự vôi hóa hoặc xơ hóa trong nang tuyến; Bướu giáp chứa đầy máu do xuất huyết trong nang bướu; Bướu giáp ung thư hóa; Bướu giáp thể nhân cường giáp hóa.
PGS Nam nhấn mạnh khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu như: gây kiệt sức, sụt hoặc tăng cân, hồi hộp ở ngực, mất ngủ, rụng tóc, run tay, đổ mồ hôi …hay có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể nên đi khám. Bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm, xét nghiệm máu, chọc hút tế bào... để xác định loại bướu cổ.
Đặc biệt, khi bướu ác nhỏ sẽ chưa gây ra bất cứ bất thường nào mà chỉ phát hiện được qua siêu âm kiểm tra hoặc tình cờ khi chụp CT, MRI, PET vùng cổ vì bệnh khác. Để phân biệt bướu lành hay bướu ác, chọc hút kim nhỏ (FNA) với độ chính xác cao giúp xác định chẩn đoán. Phương pháp này dùng kim nhỏ như kim chích thuốc, chích vào bướu, lấy tế bào và quan sát dưới kính hiển vi để đánh giá hình dạng và cách sắp xếp của tế bào nhằm có thể xác định lành hay ác.