Chuyên gia da liễu chỉ cách trị viêm nang lông hay gặp và dễ tái phát trong mùa hè
Bất cứ ai cũng có thể bị viêm nang lông nhưng với những người da thường xuyên bị ẩm ướt như các vận động viên, nam thanh niên tuổi teen thường xuyên đổ mồ hôi nhiều… dễ mắc, nhất là trong mùa hè.
Viêm nang lông, bệnh hay gặp ở đối tượng nào trong mùa hè? |
TS. BS Hoàng Thị Phượng (Phó trưởng Khoa diều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu TW) cho biết chốc lở, viêm kẽ và viêm nang lông là những bệnh da liễu hay gặp trong mùa hè.
Tuy nhiên trong quá trình thăm khám, TS. BS Hoàng Thị Phượng nhận thấy số bệnh nhân bị viêm nang lông đến viện rất nhiều, tập trung đa số ở những nam thanh niên, trẻ nam đang tuổi dậy thì, người vận động mạnh ra mồ hôi nhiều. Có những thanh niên đến viện trong tình trạng toàn bộ vùng lưng, ngực nổi mụn, tấy đỏ kèm mủ trắng.
Nguyễn Văn A. (Thanh Trì, Hà Nội) là ví dụ điển hình, đang ở tuổi dậy thì nên cơ thể bắt đầu mọc lông ở các vùng kín. Không những thế cả ngực cậu cũng xuất hiện những sợi lông đen, cứng … Sợ mặc áo đồng phục các bạn phát hiện ra lại trêu trọc có “ruốc đen” nên cứ nhú lên ít nào, Văn A. liền cạo sạch.
Sạch đâu không thấy, nhưng ở dưới những chân lông bắt đầu xuất hiện những mụn đỏ, ban đầu be bé nhưng rồi sưng dần lên, tấy đỏ, mưng mủ. Oái oăm hơn, không chỉ ở ngực, mà lưng Văn A. cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Ngứa ngáy, khó chịu, V. A càng nặn, càng gãi thì … càng lan ra nhiều hơn. Cực chẳng đã, Văn A. phải đến viện, tại đây các bác sĩ cho biết em bị viêm nang lông- căn bệnh khá phổ biến của thanh niên (những đối tượng ưa vận động, ra mồ hôi nhiều trong mùa hè).
TS. BS Hoàng Thị Phượng cho biết, viêm nang lông là bệnh lý của các đơn vị nang lông. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng lại rất mất thẩm mỹ. Viêm nang lông hay Folliculitis là bệnh lý ngoài da, khi đó các đơn vị nang lông của da bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, dị ứng, chấn thương. Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra nông hay sâu ở các nang lông.
Nguyên nhân của tình trạng này là do mồ hôi, ứ đọng vào trong nang lông gây bít tắc gặp vi khuẩn kỵ khí gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, còn do các tác nhân gây nhiễm trùng khác như vi rút, nấm. Dị ứng: việc sử dụng một số loại hóa chất, sản phẩm, mỹ phẩm bôi trên da cũng có thể dẫn đến tình trạng các nang lông bị viêm, chẳng hạn như kem có chứa steroid hoặc kháng sinh lâu dài để trị mụn trứng cá.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, viêm nang lông cũng bắt nguồn từ các tác động lên da như cạo lông bằng dao cạo hay cọ xát da với quần áo khi mặc quần áo bó sát sẽ khiến cho các nang lông bị tổn thương dễ dẫn đến viêm.
Đáng lưu ý, bất cứ ai cũng có thể bị nhưng với những người da thường xuyên bị ẩm ướt, nhất là các vận động viên thường xuyên đổ mồ hôi nhiều, nam thanh niên bởi đây là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn gây viêm các nang lông phát triển mạnh.
Bệnh thường có biểu hiện xuất hiện những nốt mụn mủ đỏ hoặc mụn đầu trắng, kích thước đều nhau 1-4mm, nổi gồ trên bề mặt da, xuất hiện ở nơi sợi lông nhô lên. Mụn có thể vỡ ra gây chảy mủ hoặc chảy máu. Cảm giác đau, ngứa hoặc rát như bị bỏng. Sợi lông không mọc ra bên ngoài được mà mọc ngược vào bên trong. Nếu không được xử lý kịp thời, nang lông bị áp xe thì đã là biến chứng thành nhọt, nặng hơn là nhọt cụm, hoặc viêm mô dưới da.
Diễn biến viêm nang lông dai dẳng, hay tái phát do những yếu tố thuận lợi như môi trường ô nhiễm, nóng và ẩm. Cải thiện môi trường sẽ giúp cho điều trị hiệu quả hơn và tránh tái phát bệnh. Rất nhiều bệnh nhân bị tái phát sau điều trị hoặc bệnh trở nên dai dẳng khó điều trị.
Các chuyên gia cũng khẳng định bệnh hầu như không lây sang cho những người khác. Tuy nhiên, nếu dùng chung bồn tắm, khăn, quần áo, dao cạo với người viêm nang lông có thể làm lây nhiễm tình trạng nhiễm trùng qua các vết xước da.
Vì thế các bác sĩ khuyến cáo, đối với các trường hợp nhẹ như bệnh do các loại mỹ phẩm bôi trên da thì bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần. Các trường hợp nặng hơn như da trở nên đỏ, sưng, đau, nhiều mụn mủ và lan rộng thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp nhất.
TS. BS Hoàng Thị Phượng (Phó trưởng Khoa diều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu TW |
“Chúng ta có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp đơn giản như, giữ vệ sinh cơ thể bằng xà phòng dịu nhẹ, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi nhiều như tập thể dục, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao… Hạn chế mặc các loại quần áo bó sát. Không dùng chung các vật dụng cá nhân với nhau như khăn tắm, dao cạo… Không tự ý nặn nhọt trên da.
Khi muốn loại bỏ lông thừa trên cơ thể thì nên chọn các phương pháp an toàn như dùng ánh sáng hơn là dùng dao cạo, các loại kem triệt lông. Tránh sử dụng các sản phẩm gây đổ dầu trên da vì dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông cùng với vi khuẩn gây bệnh”, TS. BS Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh.
Bác sĩ da liễu chỉ ra những sai lầm mà chị em 'viêm cánh' mắc phải
Mỗi khi thời tiết chuyển sang nóng nực, chị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại trở nên mất tự tin chỉ vì bị “viêm cánh” (hôi nách). Chị không dám đến gần ai và tuyệt nhiên không bao giờ mặc áo trắng..
N. Huyền